Khoa học công nghệ - động lực xây dựng nông thôn mới

13/10/2022 - 09:18

Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua, đã giúp cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, cải thiện hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân... Trong giai đoạn tới, KH&CN tiếp tục được xác định là động lực và nhân tố quan trọng góp phần vào phát triển bền vững ở khu vực nông thôn trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Triển khai nhiều dự án, đề tài

Theo GS.TS Trần Tuấn Anh, Chủ nhiệm chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2021, cả nước xây dựng, tuyển chọn 84 nhiệm vụ KH&CN phục vụ chương trình xây dựng NTM ở 5 nhóm nội dung lớn với tổng kinh phí thực hiện gần 586 tỉ đồng. Qua đó tạo ra nhiều mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao. Cụ thể, tạo ra 339 sản phẩm mới; đề xuất 160 nhóm chính sách, giải pháp ở nhiều lĩnh vực; hoàn thiện 97 quy trình sản xuất và công nghệ để chuyển giao vào sản xuất; xây dựng được 208 mô hình các loại… Chương trình đã có tác động rõ rệt đến kết quả thực hiện 12 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng NTM; trong đó, tác động rõ nhất là các tiêu chí: thu nhập, việc làm, trường và chất lượng sản phẩm…

Ðiển hình, trong lĩnh vực trồng trọt đã giúp tăng năng suất cây trồng 30-35% đối với rau màu, 10-15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133-500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất. Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số giống cho năng suất và chất lượng tốt được đưa vào sử dụng. Các giống heo lai có khả năng thích nghi tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Một số giống bò thịt lai 1⁄2 hoặc 3⁄4 máu ngoại giúp tăng năng suất và hiệu quả...

Tại TP Cần Thơ, thời gian qua, nhiều đề tài, dự án KH&CN được các sở, ngành xây dựng và triển khai trên các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để phục vụ xây dựng NTM. Các đề tài sau khi nghiệm thu đã được nhân rộng mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Ðơn cử, thành phố xây dựng 136 cánh đồng lớn với diện tích hàng vụ trên 33.576ha; trong đó có 461ha lúa canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và 100ha lúa canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP. Hình thành một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh cây ăn trái với diện tích 10.392ha, sản lượng trên 100.000 tấn. Hoạt động chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học. Ðến nay, thành phố có 74 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên…

Chú trọng khả năng ứng dụng

Tại hội nghị tổng kết chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2021 và nhiệm vụ trọng tâm chương trình giai đoạn 2021-2025, các đại biểu nhận định, chương trình giai đoạn qua còn tồn tại một số khó khăn như việc lồng ghép với các chương trình KH&CN còn hạn chế; còn ít mô hình mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng để tạo ra hiệu quả đồng bộ trong phát triển nông thôn... Trên cơ sở đó, đề xuất những nội dung trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp để KH&CN có những đóng góp tích cực hiệu quả đối với nông nghiệp nông dân và nông thôn.

Theo Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia Bộ Xây dựng Phạm Thị Nhâm, chương trình KH&CN phục vụ triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 là cơ hội để nhận diện, làm rõ đề xuất các giải pháp đối với các làng xã nông thôn chịu tác động đô thị hóa chuyển đổi từ vùng nông thôn sang đô thị. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cần bảo vệ và duy trì các làng xã thuần nông gắn với văn hóa bản địa và thiên nhiên cần thiết, bảo đảm công bằng xã hội và cân bằng phát triển giữa vùng đô thị hóa cao và vùng nông nghiệp, nông thôn thuần túy.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho rằng: Chương trình cần tập trung vào một số vấn đề quan trọng của NTM giai đoạn tới như tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp thông minh, giải quyết hiệu quả môi trường… Ðồng thời, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách đổi mới để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Các đề tài, dự án thuộc chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM trong giai đoạn 2021-2025 sẽ được triển khai xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với tính đặc thù và phù hợp với điều kiện của các địa phương và huy động được sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương để giúp các địa phương; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân tham gia thực hiện... Bên cạnh đó, huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp để thực hiện các đề tài, dự án thuộc chương trình theo hướng vốn ngân sách Trung ương đóng vai trò “vốn mồi”; tăng cường hợp tác, huy động sự tham gia của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội hóa…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong xây dựng NTM thời gian tới phải song hành để chuyển hóa được tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mỗi đề tài nghiên cứu khoa học phải mang yếu tố kinh tế, gắn với thị trường, chi phí đầu vào; chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị trên 1 sản phẩm nông nghiệp. Lưu ý, một đề tài tuy nhỏ nhưng có thể thực hiện ở nhiều địa phương tương đồng thì sức lan tỏa sẽ rất lớn thay vì việc thực hiện một đề tài rất lớn nhưng lại khó ứng dụng rộng rãi. Các nhà khoa học không chỉ chuyển giao KH&CN mà còn là chuyển giao tính chuyên nghiệp, tri thức, kỹ năng cho nông dân, giúp tăng năng suất lao động, tạo sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn…

Theo Báo Cần Thơ