
Chị Hà Thị Mỹ Trân và xưởng may tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Đam mê ngành kinh tế nhưng con đường học tập và lập nghiệp dang dở, chị Trân không bỏ cuộc. 10 năm trước, chị hành nghề may quần áo để mưu sinh. Chỉ với cửa tiệm nhỏ trong chợ Bắc Cái Đầm, nhưng mỗi ngày chị nhen nhóm ước mơ phát triển. Không chỉ giỏi tay nghề, chị còn có khiếu thiết kế, sáng tạo nhiều mẫu mã mới để thu hút khách hàng. “Cơ ngơi” ấy lớn dần, chị thu nhận thêm thợ phụ, rồi hình thành một cơ sở may nhiều mặt hàng phong phú hơn.
Chị Trân trần tình: “Thấy ở quê có nhiều lao động thường đi Bình Dương để kiếm sống, các gia đình sinh con cái cứ nối tiếp “điệp khúc” đó. Còn phần tôi nghĩ một mình không thể làm giàu mà phải dựa vào nhiều người nên vừa phát triển nghề ở đây, vừa giao sản phẩm cho con gái bán, tích cực tìm kiếm và phát triển thị trường”. Vậy là trong thời gian học đại học tại TP. Hồ Chí Minh, con gái lớn đã tự phát triển thị trường, tiếp sức cho chị hiện thực ý tưởng này. Chất lượng và giá cả cạnh tranh đã giúp mặt hàng từ vùng quê của chị Trân có chỗ đứng ở những thị trường lớn, lần lượt mở được 3 cửa hàng và thành lập Công ty TNHH Made By Mum, tạo việc làm cho nhiều bạn sinh viên trong thời gian học tập.
Nhờ đầu ra thuận lợi, chị Trân thu nhận thêm thợ ở quê, thuê nền tại ấp Hậu Giang 2 mở xưởng quy mô hơn, sản xuất đa dạng mặt hàng thời trang như: đầm, sơ mi, áo khoác, quần tây, các loại phụ kiện… Chị Trân cho biết, lập nghiệp ở nông thôn có những khó khăn nhất định, đặc biệt là về vốn. Duy trì suốt 9 năm qua, từ một nhà may tư nhân đến nhà xưởng có 15 lao động, mỗi năm chị phải tích lũy và đầu tư theo tinh thần “tích tiểu thành đại”. Bù lại chị rất hài lòng vì bản thân không chỉ thành công, mà còn giúp đỡ nhiều chị em ở địa phương có công ăn việc làm. Chị liên kết với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hòa nhận đào tạo học viên và thu nhận vào làm việc, cam kết sau 1 tháng cầm tay chỉ việc học viên có thể may thành thạo. Nguồn lực này giúp chị duy trì cung cấp cho thị trường hàng tháng khoảng 4.000-5.000 sản phẩm áo quần.
Ngoài may gia công, chị còn nhận học sinh thuộc hộ hoàn cảnh khó khăn đến làm các công đoạn nhẹ như: ủi, xếp và đóng gói thành phẩm. Lao động chính làm việc tại nhà xưởng có thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng; ngày làm việc 8 tiếng. Đơn cử như chị Trần Thị Kim Tuyền, gia đình làm ruộng, có 2 con nhỏ đang đi học. Chị Tuyền hành nghề cắt may tại nhà nhưng khách hàng ít nên quyết định đến làm cho chị Trân. Hơn 3 năm nay, chị Tuyền yên tâm với nguồn thu nhập để trang trải chi phí cho sinh hoạt gia đình.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hòa Phạm Thị Cẩm Giềng cho biết, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 939), hội đã chủ động, sáng tạo triển khai những mô hình, việc làm phù hợp điều kiện địa phương, giúp đỡ hội viên, phụ nữ tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Cùng với định hướng, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã xét cho các chị vay vốn, đến nay, có nhiều chị em tự khởi nghiệp thành công với nghề may mùng mền, đan võng, may thời trang… Trong đó, mô hình khởi nghiệp của chị Trân là tiêu biểu, bởi chị Trân có ý tưởng, có quyết tâm nên hội luôn đồng hành hỗ trợ hết mình.
Theo chị Cẩm Giềng, trước đây nhiều hội viên phụ nữ được tạo điều kiện học nghề may, phần lớn đi làm cho các cơ sở, công ty ngoài tỉnh hoặc mở tiệm may quy mô gia đình. Từ khi có nhà xưởng của chị Trân, các chị có điều kiện thuận lợi hơn, được làm việc và thu nhập ổn định ngay tại quê nhà. Bản thân chị Trân rất nhiệt tình với các phong trào, hoạt động của hội. Đợt xảy ra dịch bệnh COVID-19 vừa qua, xưởng của chị ngưng sản xuất, vận động vải và cắt may hơn 7.000 cái khẩu trang để tặng miễn phí cho bà con sử dụng.
Chị Trân cho hay, ngoài duy trì chuỗi cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh, hiện đang ấp ủ dự định chuyển đổi nhà xưởng thành công ty, mở rộng mặt bằng 1.000m2 và thu thêm 50 lao động, có chế độ bảo hiểm cùng những ràng buộc để gắn kết công nhân với nơi sản xuất của mình.
MỸ HẠNH