Mô hình chăn nuôi bò đang phát huy hiệu quả ở xã Lâm Kiết. Ảnh: HẢI HÀ
Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã Lâm Kiết gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp, là xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, có trên 51% đồng bào Khmer sinh sống, cơ sở hạ tầng còn thiếu, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán. Tuy nhiên, khi được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới mà địa phương này đã từng bước tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện.
Theo đồng chí Khưu Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Lâm Kiết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã được triển khai rộng khắp đến cán bộ, đảng viên và người dân. Qua đó, có nhiều người hưởng ứng chung tay, góp sức để tham gia xây dựng nông thôn mới, người dân hiến đất đai, hoa màu, đóng góp kinh phí để xây dựng các công trình giao thông nông thôn hay trồng hoa, chỉnh trang nhà cửa, góp phần xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp.
Phát triển sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xã Lâm Kiết hoàn thành mục tiêu nông thôn mới. Theo đó, hiện nay nông dân đã từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với thị trường, thay vì trồng lúa quanh năm thì nhiều hộ đã chuyển đổi sang canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ màu hoặc phát triển chăn nuôi. Ông Huỳnh Tài Chiên - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Trà Do cho biết: “Thời gian qua, nông dân được ngành chuyên môn hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất nên việc sản xuất nông nghiệp hay chăn nuôi ngày càng phát triển. Đối với cây lúa, nếu như nhiều năm trước đây, mỗi công lúa của nông dân chỉ có năng suất khoảng 600kg thì nay đã đạt từ 800kg/công trở lên, thậm chí có hộ còn đạt tới 1 tấn/công. Hiện nay, ở ấp Trà Do còn 17 hộ nghèo trong tổng số 286 hộ, dự kiến cuối năm nay sẽ có 7 hộ thoát nghèo. Không chỉ vậy, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, những hộ có hoàn cảnh khó khăn cũng có điều kiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để vươn lên thoát nghèo”.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Lâm Kiết đã có diện mạo mới với những kết quả ấn tượng. Những tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư, cứng hóa không chỉ tạo thuận lợi cho người dân đi lại mà còn thúc đẩy giao thương, doanh nghiệp đến thu mua nông sản tận nơi một cách dễ dàng. Cùng với đó là hạ tầng, về: điện, trường, trạm được quan tâm đầu tư để đáp ứng nhu cầu dân sinh. Theo số liệu thống kê của UBND xã Lâm Kiết, xã có 100% đường ngõ, xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa, trong đó có 83,26% được cứng hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt 50,6 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo trên địa bàn xã còn 60 hộ (3,79%), giảm 30,3% so với trước khi thực hiện nông thôn mới, xã cũng có hệ thống điện đạt chuẩn… Đến nay, xã Lâm Kiết đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và dự kiến sẽ được công bố đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian sắp tới.
Với những kết quả đạt được trong thời gian qua là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lâm Kiết thực hiện tốt hơn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiến tới xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.
Tính đến cuối tháng 8-2020, huyện Thạnh Trị có 5/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã đã được công nhận gồm: Vĩnh Lợi, Lâm Tân, Thạnh Trị, Vĩnh Thành. Riêng xã Lâm Kiết dự kiến tổ chức lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới trong tháng 9-2020. Huyện Thạnh Trị cũng phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Theo HẢI HÀ (Báo Sóc Trăng)