Kiên Giang: Bài học kinh nghiệm và công thức phát triển từ Phú Quốc

02/04/2024 - 09:36

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Quyết định 178/2004/QĐ-TTg, ngày 5-10-2004 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình đã nêu ra chín bài học kinh nghiệm, đồng thời rút ra công thức mang đến sự phát triển của Phú Quốc trong gần 20 năm qua.

104035113827_LTH0728 copy

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình phát biểu tại hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg. Ảnh: TÂY HỒ

TƯ DUY, TẦM NHÌN VÀ CHỦ TRƯƠNG ĐÚNG

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang xác định bài học kinh nghiệm thứ nhất, cần có tư duy, tầm nhìn và chủ trương đúng. Trên cơ sở xác định đúng tiềm năng, lợi thế, từ đó đề ra chủ trương, định hướng phát triển, làm tiền đề xây dựng các quy hoạch, cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, tạo nền tảng và sự bức phá cho phát triển của một vùng, địa phương, trong đó Phú Quốc là một điển hình.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, Phú Quốc có sự khác biệt về vị trí địa lý và tiềm năng, lợi thế tự nhiên. Đó là một hòn đảo lớn nhất trong quần thể 22 hòn đảo, với diện tích 589,27 km2, gần bằng 80% diện tích quốc đảo Singapore. Phú Quốc nằm ở trung tâm ASEAN, thuận lợi trong kết nối đường hàng không, đường biển với các nước trong khu vực và trên thế giới. Là đảo nhưng Phú Quốc có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, vừa có núi, có rừng, sông, suối và biển…

Bài học kinh nghiệ thứ hai, khi có chủ trương, định hướng đúng thì việc quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học, sáng tạo. Trong đó, có quy hoạch tốt để cụ thể hóa chủ trương, định hướng phát triển. Đây là cơ sở triển khai các dự án, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đồng chí Đỗ Thanh Bình cho biết sau khi Quyết định 178 được ban hành, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đã ban hành Nghị quyết  số 08-NQ/TU để lãnh đạo thực hiện. Đặc biệt là Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1197/2005/QĐ-TTg, ngày 9-11-2005; đây cũng là bản quy hoạch đầu tiên của Phú Quốc sau 30 năm giải phóng, là một trong số ít địa phương “cấp huyện” ở thời điểm này có quy hoạch để cụ thể hóa chủ trương và tổ chức triển khai thực hiện.

Thứ ba, khi đã có quy hoạch tốt thì phải có hạ tầng “khung” cơ bản được đầu tư từ ngân sách để dẫn dắt, mời gọi, thu hút đầu tư xã hội; đồng thời phải có cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội để tạo sự bức phá và lợi thế cạnh tranh với các vùng, khu vực trong nước và quốc tế.

Thực tiễn chứng minh đối với Phú Quốc, sau khi Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc được phê duyệt, Chính phủ đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, như: Sân bay quốc tế Phú Quốc, đường trục chính Nam - Bắc đảo Phú Quốc, cáp ngầm 110 kV xuyên biển từ đất liền cấp điện Phú Quốc; các trục đường chính, đường nhánh kết nối Bắc - Nam và quanh đảo, đường cơ động phía Bắc đảo, cảng biển, hồ chứa nước ngọt và nhiều công trình khác cũng được đầu tư. Trong giai đoạn 2005-2010, tổng nguồn vốn ngân sách đã đầu tư cho Phú Quốc là hơn 2.025 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2020 là 12.791 tỷ đồng

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thí điểm áp dụng riêng tại đảo Phú Quốc như: Quyết định số 229/2005/QĐ-TTg, ngày 16-9-2005 cho phép miễn thị thực với thời gian 15 ngày, nếu quá hạn được gia hạn, nếu muốn đi sang địa phương khác thì được cấp thị thực tại Phú Quốc...; Quyết định số 38/2006/QĐ-TTg, ngày 14-2-2006 khuyến khích và bảo hộ đầu tư và hoạt động kinh doanh, đây là các cơ chế chính sách mang tính đột phá lúc bấy giờ áp dụng riêng cho huyện đảo Phú Quốc.

Ngày 22-5-2013, Khu kinh tế Phú Quốc được thành lập theo Quyết định số 31/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg ngày 27-12-2013 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc với 6 cơ chế chính sách quan trọng,… đã mở ra các điều kiện rất thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án trên địa bàn Phú Quốc.

QUY HOẠCH TỐT, CƠ CHẾ ĐỘT PHÁ

Thứ tư, khi đã có quy hoạch tốt, cùng với hạ tầng khung cơ bản và cơ chế chính sách đột phá thì cần có những nhà đầu tư chiến lược để tạo điểm nhấn và động lực cho phát triển, là “nam châm” để thu hút các nhà đầu tư khác, cùng hệ thống các dịch vụ hỗ trợ “vệ tinh” để đa dạng các sản phẩm, tạo sức hút, sức hấp dẫn, sự khác biệt đáp ứng cho nhiều đối tác có năng lực.

Giai đoạn 2006-2010, với cơ chế, chính sách đột phá, Phú Quốc đã trở thành địa bàn thu hút nhiều nhà đầu tư. Đến năm 2010, Phú Quốc đã thu hút 254 dự án. Tuy nhiên, sau khi hệ thống hạ tầng khung của Phú Quốc như điện, đường giao thông, sân bay… hoàn thành, thì mới thật sự tạo sức hút các nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án, như: Vin Group (Bắc đảo), Sun Group (Nam đảo), CEO, BIM Group (trung tâm đảo); và đã hình thành các dự án động lực như: Vinpearl Phú Quốc (2014), Safari Phú Quốc (2015), Novotel Phú Quốc (2016), JW Marriott Phu Quoc (2017), Cáp treo Hòn Thơm (2018),… tạo sức bậc mạnh mẽ về du lịch.

Giai đoạn 2015-2020, ngành du lịch Phú Quốc tăng trưởng rất nhanh, bình quân tăng 27,9%/năm; nhiều thương hiệu khách sạn nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Phú Quốc. Tính bình quân giai đoạn 2005-2020, tổng vốn ngân sách đã đầu tư cho Phú Quốc là 37.212 tỷ đồng. Phú Quốc đã thu hút được 321 dự án với tổng vốn là 412.000 tỷ đồng, bình quân 1 đồng ngân sách bỏ ra thu lại hơn 11 đồng vốn từ xã hội.

104957Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc

Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc. Ảnh: HOÀNG GIÁM

Thứ năm, phải tạo được sự đồng thuận của nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là công tác tuyên truyền, vận động phải thật sự hiệu quả để cùng chung nhận thức và hành động vì mục tiêu phát triển chung, đặc biệt là trong quá trình triển khai các quy hoạch, dự án đầu tư.

Thực tế đã chứng minh, nếu không có sự đồng thuận của nhân dân, thì Phú Quốc không thể triển khai hoàn thành được khối lượng công việc “đồ sộ” với 242 phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được triển khai, tổng diện tích đất thu hồi hơn 8.300ha.

Thứ sáu, phát triển kinh tế phải gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; bảo đảm hài hoài lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Điều này đã và đang được Phú Quốc thực hiện tốt, nhất là việc gìn giữ và phát huy các di tích lịch sử quốc gia, các công trình văn hóa, bảo tồn các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, như hồ tiêu, nghề làm nước mắm Phú Quốc - được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Thực hiện tốt chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất, giúp người dân có cuộc sống tốt hơn. Tỷ lệ hộ nghèo của Phú Quốc giảm từ 2,36% năm 2004 xuống còn 0,18% năm 2023.

ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN

Thứ bảy, phải luôn bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường công tác đối ngoại và ngoại giao nhân dân; quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước.

Với vị trí tiền tiêu, nằm trong vùng biển giáp 3 quốc gia trong khu vực ASEAN (Campuchia, Thái Lan, Malaysia), những năm qua cùng với thu hút đầu tư phát triển, Kiên Giang luôn quan tâm chỉ đạo bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh trên biển và khu vực vùng nước lịch sử. Tăng cường giao lưu, hợp tác với các địa phương giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia.

Về trật tự, an toàn xã hội, có những giai đoạn cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế thì tội phạm cũng gia tăng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, trật tự an toàn xã hội tên địa bàn thành phố Phú Quốc. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị của tỉnh, cùng với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng trong các giai đoạn vừa qua đã tập trung trấn áp, kéo giảm các loại tội phạm, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Thứ tám, trong quá trình phát triển cần phải chủ động dự báo đúng tình hình và phản ứng kịp thời, linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhưng không làm thay đổi các giá trị cốt lõi của chủ trương, định hướng phát triển đã đề ra.

Thực tiễn cho thấy, quy hoạch chung Phú Quốc lần đầu được phê duyệt từ năm 2005, đã qua 3 lần điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đối với các cơ chế chính sách được điều chỉnh từ Quyết định số 38/2006/QĐ-TTg ngày 14-2-2006 sang Quyết định số 20/2010/QĐ-TTg ngày 3-3-2010. Các lần điều chỉnh đều bám vào mục tiêu chung theo Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ; tạo điều kiện cho đầu tư, phát triển phù hợp đặc điểm tình hình ở từng giai đoạn.

Thứ chín, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tổ chức mô hình quản lý phù hợp.

Mô hình Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tại Quyết định số 42/2007/QĐ-TTg ngày 29-3-2007 là chưa có tiền lệ, trước mô hình Ban Quản lý Khu kinh tế theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc được UBND tỉnh Kiên Giang, các sở, ban, ngành phân cấp, ủy quyền thực hiện các thẩm quyền về đầu tư, đất đai, xây dựng.... đã tạo cơ chế thông thoáng, đầu mối tập trung giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp ngay tại đảo Phú Quốc mà không phải vào đất liền. Đây là mô hình mới, mô hình quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực trên cùng lãnh thổ cấp huyện, song hành với chức năng quản lý nhà nước ở địa phương của UBND cấp huyện.

Từ chín bài học kinh nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình đã rút ra công thức mang đến sự phát triển của Phú Quốc trong gần 20 năm qua, đó là: “Tầm nhìn + chủ trương + quy hoạch + hạ tầng khung và cơ chế chính sách đột phá + nhà đầu tư chiến lược + sự đồng thuận của nhân dân + phân cấp, phân quyền”.

Theo ĐỨC BÌNH (Báo Kiên Giang)