Kiên Giang: Canh tác lúa thông minh giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận

02/06/2022 - 14:22

Canh tác lúa thông minh là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền thực hiện tại 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tại Kiên Giang, mô hình này giúp nông dân giảm chi phí và tăng lợi nhuận, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

A A

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, thời tiết bất thường, giá vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay, mô hình canh tác lúa thông minh đã và đang là giải pháp phù hợp để nông dân sản xuất lúa vượt qua khó khăn, thách thức để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tại Kiên Giang, vụ đông xuân 2021-2022, chương trình canh tác lúa thông minh được triển khai tại các huyện Hòn Đất, Gò Quao, Giang Thành và Tân Hiệp.

Tham gia chương trình canh tác lúa thông minh, nông dân được tập huấn, hướng dẫn rất kỹ từ khâu làm đất, quản lý nước tưới, quản lý dịch hại tổng hợp để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng giống gieo sạ, bón phân theo quy trình, thu hoạch lúa đúng độ chín… Ngoài tập huấn chuyển giao các quy trình canh tác lúa thông minh, chương trình còn hỗ trợ đầu tư các trang thiết bị thiết yếu để phục vụ cho việc quản lý dịch hại, sâu bệnh, quản lý nguồn nước khi sản xuất lúa, giúp nông dân chủ động trong sản xuất.

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ lắp đặt 8 trạm quan trắc môi trường nước tự động, 7 ống cảm biến khô ướt xen kẽ tại 2 huyện Gò Quao và Hòn Đất, giúp báo mực nước trong ruộng, thông báo độ mặn, độ pH, nhiệt độ để nông dân chủ động trong việc cung cấp nước cho ruộng lúa. Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn hỗ trợ thiết bị giám sát sâu rầy thông minh cảm biến, giúp nông dân nhận biết được mật độ sâu rầy để có hướng phòng trị thích hợp, hạn chế số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Theo đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình canh tác lúa thông minh giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp đầu tư nhiều để đạt năng suất cao. Nhiều nông dân đã chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp, tính toán chi phí hợp lý để đạt hiệu quả kinh tế cao thông qua việc tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật kết hợp ứng dụng công nghệ 4.0 vào canh tác lúa.

Trạm quan trắc cảm biến sâu rầy được Trung tâm Khuyến nông tỉnh lắp đặt phục vụ sản xuất lúa thông minh tại Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 7A, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp).

Vụ lúa đông xuân 2021-2022, Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 7A, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) có 132ha tham gia chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Hợp tác xã được tiếp nhận một trạm dự báo sâu bệnh thông minh, một trạm cảm biến bơm tát thông minh. Bên cạnh đó, thành viên được tập huấn và áp dụng đồng bộ các giải pháp canh tác như thực hiện giảm lượng giống gieo sạ, thực hiện gieo sạ bằng máy sạ cụm, kết hợp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, thực hiện kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ, sử dụng phân bón tiết kiệm.

Mô hình canh tác lúa thông minh giúp nông dân tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và hạ giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao lợi nhuận trong vụ đông xuân trước tình hình giá vật tư nông nghiệp, phân bón tăng cao.

Ông Đỗ Duy Nguyện - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 7A cho biết: “Bây giờ, tiến bộ khoa học, kỹ thuật ngày càng tiên tiến hơn, nông dân làm lúa khỏe lắm, không cần ra đồng, ngồi tại nhà dùng điện thoại thông minh có cài sẵn ứng dụng theo dõi dịch hại trên đồng vẫn có thể biết được tình hình sâu bệnh trên ruộng, từ đó có hướng điều trị bệnh phù hợp, tránh tình trạng phun thuốc không đúng cách, không đúng thời điểm, gây lãng phí lại không hiệu quả. Ngoài ra, mô hình canh tác lúa thông minh giúp nông dân thay đổi nhận thức, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để tính toán chi phí sản xuất phù hợp như giảm lượng giống còn 8-10kg/công, sử dụng máy sạ lúa theo bụi…Vụ lúa đông xuân 2021-2022, ước tính nông dân giảm khoảng 40% chi phí lúa giống, giảm hơn 30% chi phí phân bón, chi phí bơm tưới, giảm khoảng 50% chi phí phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận bình quân đạt 40-45 triệu đồng/ha”.

Theo Báo Kiên Giang