Kiên Giang: Chàng trai 9x khởi nghiệp từ nghề kết mâm quả

25/02/2023 - 09:14

Ở tuổi 27, anh Võ Văn Hiếu, ngụ TP. Rạch Giá (Kiên Giang) đã có gần 10 năm gắn bó với nghề kết mâm quả. Nghề này không chỉ đem lại thu nhập khá mà còn giúp một số thành viên trong gia đình anh có thêm thu nhập.

A A

Anh Hiếu kể, trước đây do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh phải nghỉ học từ lớp 9, đi làm thuê lo cho gia đình. Duyên đến với nghề kết mâm quả bắt đầu từ việc đi làm thuê cho các dịch vụ trang trí tiệc cưới, trong đó có trang trí mâm quả cho khách. Vốn yêu thích cái đẹp, thích tạo ra những sản phẩm cầu kỳ, đẹp mắt, mỗi khi trang trí mâm quả, anh Hiếu đều đặt tâm huyết, sự cần mẫn vào đó.

Vừa đi làm thuê dịch vụ trang trí tiệc cưới vừa tìm tòi, học hỏi cách kết mâm quả trên mạng, nhờ vậy tay nghề anh Hiếu ngày càng cao, cho ra nhiều sản phẩm đẹp, lạ mắt. “Học nghề kết mâm quả không dễ, đòi hỏi người học phải tập trung, kiên trì và chịu khó. Không chịu khó học hỏi, sáng tạo thì sản phẩm không có hồn”, anh Hiếu nói. 

Xác định làm nghề kết mâm quả để khởi nghiệp nên sau khi nâng cao tay nghề, anh Hiếu xin nghỉ việc ở các dịch vụ tiệc cưới để theo đuổi đam mê. Sau đó bạn bè, hàng xóm và những người quen biết anh Hiếu qua mạng xã hội đã tìm đến đặt hàng kết mâm quả. 

Anh Hiếu cho biết, anh nhận đơn đặt hàng nhiều nhất vào những tháng cận tết, vì đó là mùa cưới. Khi đó mỗi ngày anh nhận kết từ 8-10 bộ mâm quả, nhiều lúc trong nhà xếp đầy mâm quả chuẩn bị sẵn chờ khách đến lấy. Qua tết, ít đám cưới, nhưng cứ cách 2-3 ngày anh vẫn có người đặt hàng. 

Anh Võ Văn Hiếu kết mâm rồng, phụng cho khách.

Những vật dụng, hoa, bánh, trái cây qua bàn tay khéo léo của anh Hiếu đã tạo thành các mâm quả đặc sắc. Anh Hiếu chăm chút từng bông hoa, lá trầu, trái cau, với mong muốn cô dâu, chú rể sẽ có hôn nhân hạnh phúc, làm ăn thuận lợi, sinh con trai và gái đủ đầy.

“Cái khó của nghề này không chỉ đòi hỏi người làm phải khéo tay, óc thẩm mỹ mà còn phải chịu bỏ thời gian mày mò, tỉ mỉ và đặc biệt là phải am hiểu về các loại trái cây, bánh, rau, củ, quả. Để chọn được các loại vật liệu ưng ý, tôi phải đi săn lùng tại các nhà vườn và có mặt từ sớm ở các chợ nông sản đầu mối nhằm chọn được lá trầu, trái cau hay hoa đẹp, tươi mới. Mâm quả là trang trọng nhất trên bàn thờ gia tiên nên phải dốc tâm, dốc sức làm cho thật khéo”, anh Hiếu chia sẻ.

Theo anh Hiếu, kết mâm quả cần tuân thủ nhiều quy tắc như trà, rượu phải chẵn đôi, tất cả trái cây, hoa tươi phải đảm bảo giữ được độ tươi mới đến qua lễ cưới hỏi. Số lượng mâm quả theo văn hóa từng vùng, miền cũng khác. Khách các tỉnh miền Trung khi đặt mâm quả thường yêu cầu phải có trà, rượu, thuốc hút, bánh phu thê, mâm trầu, cau, mâm trái cây hình rồng, phụng. Còn khách miền Tây thường đặt mâm trà, rượu, bánh phu thê, trầu cau; có người yêu cầu có thêm xôi, gà, heo quay…

Mỗi mâm quả có giá hàng trăm ngàn đồng, thậm chí lên đến vài triệu đồng hoặc nhiều hơn, tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Bà Thái Thị Hiền, mẹ của anh Hiếu chia sẻ: “Trước đây tôi chỉ làm công nhân, từ khi cùng Hiếu nhận kết mâm quả cho các tiệc cưới, tôi ở nhà để phụ giúp con. Đây cũng là việc làm kiếm thêm thu nhập, phù hợp với điều kiện sức khỏe của tôi”. 

Nhờ tỉ mỉ trong kết mâm quả, anh Hiếu đã khẳng định được thương hiệu riêng và ngày càng có nhiều khách đặt hàng. Hiện thu nhập bình quân của anh Hiếu từ 5-10 triệu đồng/tháng. Mùa cưới anh Hiếu thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng. 

Theo Báo Kiên Giang