Rời quân ngũ sau khi làm tròn trách nhiệm của công dân đối với đất nước, ông Phạm Hiếu Giáp về ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất lập nghiệp. Ông mua hơn 30 công đất trồng lúa quanh nhà. Nhận thấy trồng lúa không làm giàu được, ông Giáp đi nhiều nơi tìm hướng phát triển kinh tế gia đình.
Vào những năm 2000, phong trào nuôi yến ở một số tỉnh như Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển, ông Giáp học theo và trở thành một trong những người đi đầu nuôi chim yến lấy tổ ở Kiên Giang từ năm 2009.
Cần mẫn, chăm chút từng nhà yến, ông Giáp có 6 nhà yến, tổng diện tích sàn trên 600m², mỗi năm thu hoạch trên 100kg yến thô, lợi nhuận gần 1,8 tỷ đồng/năm.
Cựu chiến binh Phạm Hiếu Giáp (bên phải), xây 6 nhà nuôi chim yến, thu nhập bình quân gần 1,8 tỷ đồng/năm.
Ông Phạm Hiếu Giáp kể: “Các con tôi làm nghề xây dựng. Những năm 2000, các con đi làm xây dựng đây đó và thấy người ta nuôi chim yến thu hoạch tổ bán 40-50 triệu đồng/kg nên kêu tôi làm thử. Chưa tin nên tôi đi nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi rồi mới thực hiện, ban đầu tôi nuôi thử nghiệm bằng cách cơi nới trên nóc nhà ở. Qua 2 năm, yến bắt đầu cho tổ nên tôi mở rộng đầu tư xây dựng thêm”.
Thời gian đầu xây dựng nhà yến ông Giáp gặp không ít khó khăn. Mặc dù nhà yến của ông Giáp không nằm trong khu đô thị, xa khu dân cư nhưng ông vẫn bị nhiều người phàn nàn.
“Khoảng 12-13 năm trước, người dân nói tôi làm nhà cho chim trời cá nước ở; một số người sợ tiếng ồn từ các thiết bị dẫn dụ yến. Nhưng tôi chứng minh cho họ thấy nghề hái lộc trời này thu nhập cao và đều hàng năm. Nhà yến xây dựng xa đô thị nên không ảnh hưởng đến môi trường”, ông Giáp nói.
Thấy ông Giáp nuôi yến hiệu quả, người dân trong và ngoài tỉnh đến thuê ông Giáp làm nhà yến, từ đó gia đình ông làm thêm nghề thiết kế, xây dựng, cung cấp thiết bị xây nhà yến. Bốn con trai của ông đều nối nghiệp cha chuyên thiết kế, xây dựng nhà yến tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
“Mật độ xây dựng nhà yến nhiều quá sẽ không hiệu quả, thu hoạch tổ yến không cao, vì vậy tôi khuyên người dân muốn xây dựng nhà yến cần tính toán hiệu quả lâu dài, nhất là quan tâm đến mật độ xây dựng, phải theo quy hoạch và xa khu vực đô thị để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân”, ông Giáp nói.
Ông Đinh Chí Nguyện - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất cho biết: “Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân, sức trẻ cho độc lập dân tộc, các thế hệ cựu chiến binh xã Mỹ Lâm, trong đó có ông Giáp tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, tích cực xây dựng quê hương”.
Hiện căn nhà trị giá hàng tỷ đồng của ông Giáp nằm cách xa khu dân cư, hàng ngày đón tiếp nhiều người đến học hỏi và được ông chia sẻ kinh nghiệm xây nhà, nuôi chim yến và làm giàu từ chim yến.
Theo LÊ VINH (Báo Kiên Giang)