Anh Trịnh Dương Khang, ngụ xã Đông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) có hơn 5 năm làm nghề cổng cưới thủ công cho biết: “Những năm gần đây, cổng cưới được làm thủ công từ lá dừa, rau, củ, quả trở nên “hot”, được nhiều người chọn. Nhiều cặp đôi tìm đến những người thợ khéo tay với mong muốn có chiếc cổng cưới độc đáo, mang đậm hồn quê mà vẫn trang trọng để trang trí trong ngày trọng đại của mình”.
Chỉ với nguyên liệu cau, ớt đỏ, đậu bắp, đậu đũa, lá khóm, lá dừa và hoa tươi, những người thợ sáng tạo nhiều mẫu cổng cưới đẹp, đặc biệt cổng cưới với tạo hình cặp rồng phượng kết từ rau, củ, quả được nhiều người yêu thích.
Cổng cưới rồng phượng được kết từ rau, củ, quả đẹp mắt.
Công đoạn tạo nên cổng cưới kết từ rau, củ, quả được làm thủ công, đan xếp kỳ công, đòi hỏi sự tinh tế, kiên nhẫn, tỉ mỉ của người thợ. Các loại rau, củ, quả giữ được màu, độ tươi không lâu, người làm cổng phải canh đúng thời điểm dựng cổng để giữ màu sắc tươi mới, đẹp mắt.
5 người phải tốn hơn 3 ngày để hoàn thành một chiếc cổng cưới. Chi phí để làm chiếc cổng cưới rồng phượng từ 9-25 triệu đồng tùy thiết kế và chi phí đi lại.
“Làm cổng cưới rồng phượng trải qua nhiều công đoạn. Công đoạn mất nhiều thời gian là làm thân rồng, phải chọn từng trái cau tươi bằng nhau có màu sắc đẹp, chẻ đôi sắp xếp để làm vảy cho thân rồng. Công đoạn khó nhất là đi lá khóm và ớt làm đầu rồng, vây lưng, cánh phượng”, anh Trịnh Dương Khang nói.
Anh Trịnh Dương Khang phun nước cho hoa trước khi dựng cổng để hoa tươi lâu hơn.
Chị Võ Thị Cẩm Tiên, ngụ xã Đông Hòa, huyện An Minh (Kiên Giang) chia sẻ: “Trong ngày cưới của mình có chiếc cổng cưới theo phong cách truyền thống, tận dụng những vật liệu sẵn có của quê hương. Với 14 triệu đồng, nhóm của anh Khang hoàn thành chiếc cổng cưới rồng phượng kết từ rau, củ, quả màu sắc đẹp mắt. Cổng cưới là nơi tôi và người thân, bạn bè có thể lưu giữ những bức ảnh kỷ niệm đẹp trong ngày cưới”.
Nhờ đam mê và sự sáng tạo, cổng cưới thủ công của nhóm anh Trịnh Dương Khang được nhiều người biết đến. Những tháng cuối năm là mùa cao điểm, nhóm làm cổng cưới của anh Khang phải di chuyển liên tục trong và ngoài tỉnh, thức đêm làm các chi tiết tạo hình rồng phượng để kịp hoàn thành cổng cưới cho khách hàng.
Ông Trịnh Minh Đương, ngụ ấp Xẻo Đước 2, xã Đông Yên, huyện An Biên nói: “Làm cổng tốn nhiều thời gian và công sức nên phải đam mê, yêu thích và kiên nhẫn mới có thể gắn bó với nghề lâu dài. Đây là nghề làm đẹp cho đời, tôi hạnh phúc nhất khi dựng xong cổng cưới được gia chủ khen, đó là động lực để tôi gắn bó về nghề”.
Theo Báo Kiên Giang