Theo người dân ngụ ấp Vĩnh Bình, trước kia người dân nơi đây canh tác luân canh một vụ tôm một vụ lúa, nuôi tôm sú là chủ yếu. Sau vài năm, nông dân thấy nuôi tôm sú không đạt năng suất và thay thế tôm sú bằng tôm thẻ chân trắng. Vì tình hình mặn xâm nhập, nông dân trồng lúa không hiệu quả nên chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng là chủ yếu.
Sau thời gian, tôm thẻ chân trắng cũng không mang lại hiệu quả kinh tế. Đến năm 2016, một vài hộ ở địa phương thử nghiệm nuôi ghép tôm thẻ chân trắng với tôm càng xanh trên cùng một diện tích nuôi và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Từ đó, người dân dần chuyển sang mô hình nuôi ghép tôm càng xanh với tôm thẻ chân trắng, liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thu hoạch tôm càng xanh tại hộ gia đình anh Phạm Thanh Bình.
Ông Võ Thanh Vũ, ngụ ấp Vĩnh Bình vừa thu hoạch vụ tôm của gia đình cho biết: “Với diện tích đất nuôi tôm 40.000m2, vụ này tôi thu hoạch 3,5 tấn tôm càng xanh với giá bán 130.000 đồng/kg, thu về 455 triệu đồng. Đồng thời, thu hoạch 2 tấn tôm thẻ chân trắng, bán giá 100.000 đồng/kg, thu về 200 triệu đồng. Một vụ nuôi tôm khoảng 6 tháng, tôi thu về 655 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất, lãi hơn 300 triệu đồng”.
Anh Nguyễn Văn Quýt Em - Giám đốc Hợp tác xã tôm lúa ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Tuy chia sẻ: “Để tôm đạt hiệu quả, ít hao hụt, người dân vèo tôm càng giống ở ao riêng từ 2,5 - 3 tháng, sau đó thả ra vuông tôm. Sau khi cải tạo, xử lý nước vuông nuôi, người dân thả tôm thẻ chân trắng giống vào vuông khoảng 15 ngày trước khi thả tôm càng xanh từ ao nhỏ ra vuông lớn, nuôi ghép hai loại với nhau. Mật độ thả nuôi khoảng 15 con/m2”.
Tôm càng xanh nuôi khoảng 6 tháng có thể thu hoạch. Thời gian thu hoạch tôm thẻ chân trắng ngắn hơn tôm càng, tôm thẻ nuôi từ 2,5 - 3 tháng là thu hoạch. Tôm càng và tôm thẻ ăn cùng loại thức ăn, người nuôi cho ăn mỗi ngày 2 - 3 lần, lượng thức ăn tùy theo giai đoạn tôm phát triển và cần kiểm tra thường xuyên để điều chỉnh cho phù hợp.
Nuôi tôm tại ấp Vĩnh Bình, anh Phạm Thanh Bình, ngụ ấp Vĩnh Phong, xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao áp dụng thành công mô hình này nhiều năm qua. “Vụ tôm lần này, tôi thu hoạch đạt năng suất, lại được giá. Sau 2,5 tháng thả nuôi, tôi thu hoạch 1,3 tấn tôm thẻ với giá bán 100.000 đồng/kg, thu về gần 130 triệu đồng. Tôm càng xanh, tôi thu trọn lợi nhuận hơn 160 triệu đồng”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Tuy Lê Hoàng Lùng cho biết: “Mô hình nuôi ghép tôm thẻ chân trắng với tôm càng xanh của nông dân ấp Vĩnh Bình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân làm giàu từ mô hình này”.
Theo TIỂU ĐIỀN (Báo Kiên Giang)