Một tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.
Trong cái mênh mang của miền Tây sông nước, lòng người Kiên Giang luôn ấm áp, chan hòa, đượm tình như dòng phù sa màu mỡ nuôi lớn bao mùa lúa, bao bến sông quê. Chặng đường 5 năm qua, từ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang lần thứ III năm 2019 đến nay đã để lại những dấu ấn đậm sâu, những đổi thay rõ rệt trên từng nếp nhà, từng ánh mắt rạng ngời.
Có thể thấy, chính sách dân tộc đã thực sự làm bừng lên sức sống mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, Hoa, Chăm - những tộc người đã chung sống bao đời trên vùng đất Kiên Giang. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống của bà con đã thay đổi tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 4,7% năm 2019 xuống còn 2,4% năm 2024, một thành quả đáng tự hào, không chỉ là con số mà là mồ hôi, công sức và sự quyết tâm của cả cộng đồng.
Những ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết đã được xây lên, đứng vững giữa màu xanh đồng lúa, vườn cây và thấp thoáng màu xanh của nước biển là kết quả của sự huy động xã hội hóa để xây dựng gần 200 căn nhà giúp đồng bào dân tộc thiểu số có chỗ an cư lạc nghiệp. Kiên Giang đã dành hơn 340 tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng xong 103 công trình hạ tầng đưa vào phục vụ bà con; hơn 150 tỷ đồng đã được giải ngân cho vay vốn phát triển kinh tế, giúp gần 5.000 hộ thoát nghèo. Những con số ấy tựa như giọt nước ngọt lành, tưới mát mảnh đất quê hương, làm hồi sinh khát vọng vươn lên của bao gia đình, bao ước mơ tuổi trẻ.
Kiên Giang đâu chỉ dừng lại ở chuyện phát triển kinh tế mà còn mở rộng cánh cửa giáo dục cho đồng bào các dân tộc. Những ngôi trường khang trang mọc lên, những lớp học vui tươi ngày càng đông đúc bởi tỷ lệ huy động học sinh đồng bào dân tộc thiểu số đến trường đã tăng đều qua các năm. Hệ thống trường lớp, giáo viên được đảm bảo để trẻ em nơi đây có thể tiếp cận tri thức, từng bước thoát khỏi vòng lẩn quẩn của nghèo khó. Những ánh mắt lấp lánh của các em khi cắp sách đến trường, những niềm vui hồn nhiên dưới mái trường mới chính là tương lai tươi sáng của vùng đất này.
Không thể quên nói đến sự phát triển của văn hóa, y tế - những yếu tố nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân. Kiên Giang đã dành hơn 180 tỷ đồng để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 242.000 lượt đồng bào nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, giúp bà con có thêm điều kiện chăm sóc sức khỏe. Các công trình hạ tầng y tế cũng được đầu tư đồng bộ; 100% trạm y tế tại các xã vùng dân tộc thiểu số đều đạt chuẩn quốc gia. Mỗi khi con ốm đau, mỗi lần trái gió trở trời, người dân không còn phải đi xa, không còn lo lắng như trước, bởi những người thầy thuốc đã ở ngay bên, luôn sẵn lòng chăm sóc.
Sự quan tâm ấy còn lan tỏa đến cả đời sống văn hóa của bà con, giữ gìn và tôn vinh bản sắc của các tộc người như Khmer, Hoa, Chăm.... Các lễ hội truyền thống như lễ Sene Đôn Ta, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer hay lễ Vu Lan, Tết Thanh Minh của đồng bào Hoa hoặc Tết Roya Haji, lễ hội Kate của đồng bào Chăm luôn được tổ chức náo nhiệt. Những nét đẹp văn hóa ấy chính là hồn cốt, là niềm tự hào, là nơi để bà con gắn kết nhau, gìn giữ tình cảm cộng đồng như dòng sông nối liền các bờ bãi.
Trong những thành quả đạt được, không thể không nhắc đến sự góp sức của đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Các anh, các chị - những người con sinh ra từ vùng đất nghèo, hiểu rõ từng khó khăn, từng vất vả của người dân đã không ngừng rèn luyện, trưởng thành trong chính công tác, nhiệm vụ của mình tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Sự góp mặt của các anh, các chị trong hệ thống chính trị đã đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần hơn với đồng bào, từ đó thấu hiểu, giải quyết kịp thời những nguyện vọng của nhân dân. Chính điều đó đã xây nên bức tường vững chắc bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh trật tự, bình yên cho quê hương, xóm ấp.
Bước sang giai đoạn mới, từ năm 2024 đến 2029, Kiên Giang tiếp tục tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một hướng đi mới rất đúng đắn và đầy tiềm năng. Chuyển đổi số không chỉ mang đến cơ hội kết nối, thông tin, mà còn mở ra con đường phát triển kinh tế mới, đưa người dân đến gần hơn với tri thức hiện đại.
Chủ đề của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang lần thứ IV, năm 2024 “Cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang đoàn kết, quyết tâm đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số, góp phần phát huy lợi thế, tiềm năng để hội nhập và phát triển” - không chỉ là lời hô hào mà còn là ước mơ và quyết tâm mãnh liệt của bà con trên hành trình đổi mới.
Chúng ta tin rằng với nền tảng đã xây dựng được và tinh thần đoàn kết, sáng tạo của cộng đồng các dân tộc, Kiên Giang sẽ vươn xa hơn nữa. Những ánh sáng của hội nhập, phát triển sẽ soi rọi từng xóm ấp, từng mái nhà, từng nụ cười và từng mơ ước. Hành trình ấy sẽ không chỉ là bước tiến của một nhiệm kỳ mà còn là con đường dài cho một Kiên Giang vững bền, rạng ngời giữa lòng Nam bộ thân yêu.
Theo TRỌNG NGHĨA (Báo Kiên Giang)