Năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh của Kiên Giang đạt 59,73 điểm, xếp hạng 60/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. So với các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Kiên Giang xếp hạng 13/13 tỉnh, thành phố.
Đồng chí Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang luôn trăn trở và yêu cầu phải xác định rõ nguyên nhân chủ quan, hoặc vấn đề mang tính “then chốt, là điểm nghẽn” trong việc làm sụt giảm các chỉ số của tỉnh, để từ đó đề ra giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số một cách hiệu quả nhất.
Đồng chí Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội nghị gặp mặt, đối thoại cộng đồng doanh nghiệp về cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh ngày 23-7.
Trước quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, nhiều doanh nghiệp đã góp ý, đưa ra nhiều đề xuất. Bà Thái Thị Phương Hoa - Tổng Giám đốc vùng miền Nam Tập đoàn Sungroup cho rằng hiện tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Phú Quốc đang thiếu một lượng lớn lực lượng lao động có tay nghề. Bà Hoa đề xuất chính quyền cần có cơ chế để thu hút lực lượng lao động đến đảo ngọc.
Đồng quan điểm với bà Hoa, ông Nguyễn Trung Kết - đại diện CEC Group nêu thực trạng, sau đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu lao động đang làm đau đầu giới chủ nhiều doanh nghiệp. "Chính quyền tỉnh và TP. Phú Quôc cần có những chính sách hợp lý để thu hút nguồn lao động; nâng cấp cấp độ sử dụng dịch vụ công lên cấp độ 4 để người dân, doanh nghiệp chính quyền tiện quản lý và theo dõi…”, ông Kết đề nghị.
Bà Thái Thị Phương Hoa - Tổng Giám đốc vùng miền Nam Tập đoàn Sungroup phản ánh tình trạng thiếu hụt nguồn lao động ở lĩnh vực du lịch tại TP. Phú Quốc.
Đề cập đến vấn đề phát triển du lịch tại Phú Quốc, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Vina Phú Quốc mong muốn Sở Du lịch Kiên Giang cũng như Ủy ban nhân dân TP. Phú Quốc có cơ chế quản lý tình trạng kiểm soát dịch vụ kinh doanh trên mạng xã hội, để tránh tình trạng ảnh hưởng đến khách du lịch đến Phú Quốc. Bà Lâm Kim Phương - đại diện cho Viettravel Phú Quốc đề nghị chính quyền địa phương có giải pháp quản lý tình trạng bán vé số, hàng rong kèo kéo, gây tâm lý không thoải mái và để lại ấn tượng không đẹp cho du khách.
Giải đáp một số ý kiến doanh nghiệp đặt ra liên quan nguồn lao động, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang - Đặng Hồng Sơn cho biết, trước tình hình khan hiếm một lượng lớn lao động hoạt động trong ngành du lịch, sở đã chú trọng đến việc đào tạo người lao động địa phương. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã và đang hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước để có nguồn lao động, nhất là lao động lành nghề lĩnh vực nhà hàng, khách sạn để phục vụ ngành du lịch của Phú Quốc.
Đồng chí Huỳnh Quang Hưng - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Phú Quốc cho biết, thời gian qua, Ủy ban nhân dân TP. Phú Quốc đã công bố đường dây nóng các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn để các doanh nghiệp phản ánh những vấn đề liên quan đến các hoạt động du lịch, kinh tế... “Chính quyền TP. Phú Quốc cam kết xử lý triệt để các vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, xã hội của TP. Phú Quốc như “bảo kê” cản trở doanh nghiệp đã có giấy phép trong việc triển khai các dự án, chấn chỉnh tình trạng nhếch nhác tại các điểm du lịch…”, đồng chí Hưng khẳng định.
Quang cảnh hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp TP. Phú Quốc, ngày 23-7.
Đồng chí Lâm Minh Thành đề nghị các sở, ban, ngành, chính quyền TP. Phú Quốc trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp phải sớm cụ thể hóa thành kế hoạch, tổ chức thực hiện, giải quyết cụ thể và có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc trong phạm vi quản lý; có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, thứ hạng các chỉ. Theo đó, tập trung thực hiện tốt 3 nhóm vấn đề: Cải cách hành chính, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh nâng cấp, cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận. Các Sở: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thông tin và Truyền thông tham mưu thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tầm nhìn dài hạn, nhất là đối với địa bàn TP. Phú Quốc. Trong đó, lưu ý hạ tầng giao thông, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế, hạ tầng viễn thông...
“Với ý chí và quyết tâm trong thu hút đầu tư, cùng quan điểm nhất quán xem nguồn lực từ xã hội là “quan trọng, đột phá” trong phát triển kinh tế, Kiên Giang đã và đang tiếp tục hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh. Chúng tôi không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá, không giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên giấy tờ mà phải bằng trách nhiệm cụ thể, thời gian thực hiện cụ thể và cuối cùng là kết quả cụ thể. Chính quyền sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, nhất quán trong chính sách đầu tư, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư”, đồng chí Lâm Minh Thành nhấn mạnh.
Theo Báo Kiên Giang