Kiên Giang liên kết nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp

12/02/2019 - 13:43

Năm 2019, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp diện tích 3.100 ha, tập trung ở vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng; phấn đấu sản lượng thu hoạch đạt 21.500 tấn.

Người dân thả giống nuôi theo mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN

Theo đó, từ đầu năm đến nay, các hộ đã thả nuôi khoảng 150 ha, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. 

Để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nuôi tôm an toàn, bền vững, hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với các ngành hữu quan thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, chủ động ứng phó hữu hiệu khi tình huống bất lợi xảy ra; ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, lót bạt đáy, hai giai đoạn, tiết kiệm nước… nuôi tôm thẻ chân trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất cao… 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, hiện có một số doanh nghiệp đăng ký kế hoạch nuôi tôm công nghiệp năm 2019 với hơn 1.000 ha, sản lượng thu hoạch 17.710 tấn trở lên. Theo đó, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất với người dân trên địa bàn xây dựng chuỗi sản xuất có giá trị, giá cả ổn định, nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm. 

Cùng với đó, tỉnh khuyến cáo hộ dân và doanh nghiệp nuôi tôm thả giống đúng khung lịch thời vụ, theo dõi bản tin kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh nhằm chủ động sản xuất; theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết, thủy triều để lấy nước có chất lượng tốt vào ao nuôi, xử lý nguồn nước và các yếu tố khác đúng quy trình; đồng thời, chọn mua con giống chất lượng tốt, sạch bệnh của những cơ sở sản xuất kinh doanh uy tín, tôm giống đã qua kiểm dịch, khỏe mạnh để thả nuôi; thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe, phát triển của tôm, kiểm tra các yêu tố môi trường để kịp thời xử lý, điều chỉnh phù hợp… 

Năm 2018, tỉnh Kiên Giang nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng 2.590 ha, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, chiếm gần 95% diện tích này; năng suất bình quân 7,1 tấn/ha/vụ; sản lượng thu hoạch 18.542 tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng hơn 18.100 tấn. 

Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp trên vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng, thời gian qua, chuyển biến tích cực, tăng trưởng khá đều đặn về diện tích, sản lượng. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình nuôi mới có tính ổn định, ít rủi ro đang ngày càng phổ biến, góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất tôm nuôi. 

Tuy nhiên, phát triển nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp thời gian qua ở tỉnh Kiên Giang còn khá chậm so với mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh gây hại ảnh hưởng bất lợi đến tôm nuôi; thiếu nguồn nước sạch, chất lượng, không đảm bảo độ mặn; giá tôm trên thị trường không ổn định, có thời điểm sụt giảm sâu; doanh nghiệp thiếu nguồn lao động có tay nghề, chuyên môn cao; người nuôi tôm thiếu vốn đầu tư áp dụng kỹ thuật, quy trình nuôi mới…

Đây là những rào cản trong phát triển sản xuất nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Kiên Giang, ông Đỗ Minh Nhựt cho biết.

Theo TTXVN