Kiên Giang: Nhà vườn tất bật vụ hoa tết

03/01/2023 - 14:33

Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, thời điểm này, nhiều nhà vườn trong tỉnh Kiên Giang tất bật chăm sóc hoa các loại với hy vọng có vụ hoa tết thắng lợi.

Đến ấp An Khương, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, từ đầu đường đã thấy những vườn hoa đang được nhà vườn hối hả chăm sóc. Người thoăn thoắt lặt bỏ lá vàng, tỉa bớt đọt, người kéo vòi phun nước tưới, bón phân cho hoa. Bình quân mỗi dịp tết, các nhà vườn ấp An Khương cung ứng hơn 200.000 giỏ hoa các loại ra thị trường.

Theo ông Trần Ngọc Hải - Giám đốc Hợp tác xã hoa kiểng An Khương, chỉ tính riêng số lượng hoa của 16 thành viên  hợp tác xã đã có 60.000 chậu hoa kiểng các loại, tăng 10.000 chậu so vụ hoa Tết Nguyên đán năm 2022. Hoa được trồng phổ biến là vạn thọ, ban mai, cúc Đài Loan, cúc lá nhám, cúc đại đóa...

“Cúc đại đóa có khoảng 4.000-5.000 chậu, cúc lá nhám 5.000 chậu, còn lại là ban mai và vạn thọ. Hộ trồng nhiều nhất 15.000 chậu, hộ trồng ít 2.000 chậu. Gia đình tôi có 5.000 chậu hoa gồm vạn thọ, ban mai và cúc các loại”, ông Hải nói.

Anh Lâm Quốc Sĩ, ngụ ấp Hòa Hưng, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành (Kiên Giang) đang bón phân cho hoa vạn thọ.

Cùng ngụ ấp An Khương, bà Thị Đẹp đang trồng 3.000 chậu hoa vạn thọ. Bà Đẹp cho biết: “Năm nay tôi trồng nhiều hơn năm ngoái 1.000 chậu. Do thấy cúc khó trồng nên tôi chỉ trồng vài trăm chậu cho phong phú, còn lại phần lớn diện tích trồng vạn thọ và ban mai vì hai loại này dễ trồng. Năm ngoái trừ hết chi phí tôi lời gần 20 triệu đồng”.

Thời điểm này, các vườn cúc tết ở Tân Hiệp cũng được nông dân tăng tốc chăm bón để đảm bảo nở rộ đúng dịp tết. Đang chăm sóc 2.100 chậu hoa gồm cúc Đài Loan, tiger và vạn thọ, ông Lê Văn Bình, ngụ ấp Tân Lộc, xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp cho biết: “Hoa cúc có thời gian sinh trưởng dài nên tôi trồng sớm hơn vạn thọ. Hiện cúc chỉ còn lãi bông con một đợt nữa là chờ đến tết đem bán. Năm nay nắng mưa thất thường khiến hoa chăm sóc không đạt như mọi năm”.

Mùa hoa tết năm ngoái, ông Bình thu lãi 100 triệu đồng từ 3.000 giỏ hoa. Năm nay, thấy nhiều nơi tăng số lượng hoa trồng nên ông chủ động giảm 900 giỏ để tập trung chăm sóc cẩn thận cho hoa đạt chất lượng, bán được giá hơn.

Tết Quý Mão năm 2023 cận kề, ở các vùng trồng hoa huyện Giồng Riềng, nông dân đang tất bật bón phân, tỉa đọt để tạo ra những chậu hoa cúc rực rỡ sắc xuân đưa đến tay người chơi tết. Cả năm chỉ chờ đợi và hy vọng mỗi một mùa hoa tết nên nhiều nông dân túc trực thường xuyên, thậm chí dựng lều giữa vườn hoa để tiện chăm sóc.

Ông Đào Cảnh Bích, ngụ ấp Ngã Con, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng đang khẩn trương kéo vòi nước tưới vườn hoa cúc mâm xôi của gia đình. “Nhất nước, nhì phân là hai yếu tố quan trọng hàng đầu trong nghề trồng hoa. Thời điểm này, trên 1.000 chậu cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, tiger của tôi đang dưỡng cho nụ lớn nên phải chăm sóc rất kỹ, ngày tưới 2 lần sáng và chiều. Hôm nào nắng nhiều phải tưới cữ trưa. Định kỳ 1 tuần/lần phải thúc phân, phun thuốc dưỡng lá để hoa kịp nở dịp tết”, ông Bích chia sẻ.

Ông Lê Văn Bình cùng vợ, ngụ ấp Tân Lộc, xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) chăm sóc hoa cúc và hoa vạn thọ chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Qua khảo sát một số huyện như Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, đa số nhà vườn cho biết đều tăng số lượng hoa.

Anh Lâm Quốc Sĩ, ngụ ấp Hòa Hưng, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành nói: “Năm ngoái dịch COVID-19 diễn biến phức tạp sợ không ai mua hoa nên tôi trồng 1.500 chậu hoa. Năm nay hết dịch, tôi tăng số lượng hoa lên 3.500 chậu vạn thọ và cúc ban mai, hy vọng lợi nhuận nhiều hơn”.

Tuy nhiên, điều anh Sĩ cũng như nhiều nhà vườn khác lo lắng hiện nay là giá hoa tết có khả năng giảm do nguồn cung dồi dào. Trong khi đó, giá phân bón, phân rơm hoai mục, hạt giống tăng khiến chi phí sản xuất đội lên. Mặt khác, do thời tiết bất thường nên những tháng qua người trồng hoa trong tỉnh khá chật vật.

“Năm 2021, nhân công thuê 15.000 đồng/giờ, nay tăng lên gấp đôi. Phân rơm 70.000 đồng/bao nay tăng lên 120.000 đồng, nhưng vẫn khó mua vì nguồn cung ít. Mấy ngày gần đây, thương lái bắt đầu đến tận vườn đặt cọc mua hoa nhưng chưa chốt giá vì còn đợi hoa nở mới biết hoa đạt hay không”, ông Đào Cảnh Bích nói. 

Theo Báo Kiên Giang