Kiên Giang quyết liệt đối phó mặn xâm nhập và sạt lở bờ sông, bờ biển

23/08/2022 - 14:54

Ngày 22-8, báo cáo với đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết tỉnh đang đối mặt với tình hình mặn xâm nhập diễn ra gay gắt, có 63,86km bờ biển và 158,38km bờ sông bị sạt lở làm mất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển…

Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai làm 4 người chết, 4 người bị thương, sập 83 căn nhà, tốc mái 294 căn, chìm 16 phương tiện đánh bắt thủy sản. Sau mỗi đợt thiên tai, tỉnh kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất từ quỹ phòng, chống thiên tai của tỉnh.

Tình hình mặn xâm nhập diễn ra gay gắt, Kiên Giang quyết liệt thực hiện giải pháp ứng phó, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, đảm bảo an toàn cho 284.000ha lúa đông xuân và nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô 2021-2022. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển gây mất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển, đe dọa trực tiếp đến an toàn tuyến đê biển, các kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Đến nay, Kiên Giang có 63,86km bờ biển và 158,38km bờ sông bị sạt lở. Nhằm chủ động quản lý phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.  

Theo kết quả đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai về bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2021, tỉnh Kiên Giang được đánh giá là hoàn thành tốt công tác phòng, chống thiên tai, với tổng số điểm 81,57 điểm, cao hơn mức trung bình của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Để chủ động ứng phó với thiên tai trước mùa mưa bão hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình; huy động lực lượng, vật tư, xác định vị trí xung yếu để có phương án bảo vệ công trình trọng điểm. Ngoài lực lượng của các địa phương, tỉnh còn huy động thêm lực lượng của các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống thiên tai.

Đối với các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa bão, khi có sự cố thiên tai, các địa phương có phương án chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, nước uống, đảm bảo đủ cứu trợ trong 7 ngày. Sở Giao thông Vận tải Kiên Giang có phương án bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện ứng cứu khi cầu, đường có sự cố, hư hỏng đảm bảo thông suốt các tuyến giao thông chính, quan trọng…

Đại tá Trần Ngọc Hữu (thứ hai từ phải qua) - Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng khảo sát thực địa tại cống Cái Lớn, tỉnh Kiên Giang, sáng 22-8.

Phát biểu tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Đại tá Trần Ngọc Hữu - Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng làm trưởng đoàn kiểm tra đánh giá cao công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh. Cụ thể, những năm qua, Kiên Giang chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như hạn hán, mặn xâm nhập, sạt lở bờ sông, bờ biển, mưa lớn ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Cấp ủy, chính quyền tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Các phương án phòng, chống thiên tai cơ bản rõ ràng, phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ. Tỉnh thực hiện nghiêm quyết định, chỉ thị của Chính phủ, triển khai thực hiện tốt các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã đề ra.

Đại tá Trần Ngọc Hữu đề nghị Kiên Giang chủ động rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai sát với tình hình thực tế của địa phương. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị tốt lực lượng xung kích phòng, chống thiên tại tại cơ sở, vật tư trang thiết bị, hậu cần sẵn sàng ứng phó kịp thời hiệu quả khi có tình huống thiên tai xảy ra…

Theo Báo Kiên Giang