Kiên Giang: “Vết chân tròn” xây dựng quê hương

01/04/2024 - 10:38

Ở ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), người dân nơi đây hầu như ai cũng dành tình cảm, sự quý trọng và khâm phục đối với cựu chiến binh, thương binh hạng 2/4 Lê Bá Lộc (sinh năm 1966).

A A

Ông Lê Bá Lộc vui khi có cán bộ xã đến thăm.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế  tại nước bạn Campuchia, một phần cơ thể gửi lại nơi chiến trường, bằng ý chí và nghị lực của anh “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận mới, cựu chiến binh Lê Bá Lộc luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, gương mẫu đi đầu phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương.

Đầu tháng 3-2024, chúng tôi cùng các cán bộ Xã đoàn Mỹ Phước về tìm gặp cựu chiến binh Lê Bá Lộc. Hai bên đường dẫn vào căn nhà tình nghĩa của ông Lộc rợp mát đinh lăng, mai vàng, hoa huỳnh anh cũng  vàng rực trước ngõ. Không gian mát rượi, trong lành ấy phần nào nói lên được tình yêu thiên nhiên của chủ nhân ngôi nhà. Đón chúng tôi tại cửa, ông Lộc nở nụ cười chất phác làm xua đi bao sự e dè của chúng tôi trong lần đầu gặp mặt. Xếp đôi nạng gỗ nhẵn bóng đã theo ông từ ngày rời trận địa, ông Lộc châm trà mời mọi người. Ông nói chuyện làm lúa hai vụ, chuyện vườn mai 800 gốc đã 3 năm tuổi, chuyện liếp cà do ông tự tay trồng để ngày ngày chia cho xóm giềng ăn lấy thảo.

Đầu năm 1985, ông Lộc tình nguyện tham gia chiến trường Campuchia. Năm 1987, trong lúc cùng đồng đội chiến đấu tại đường 56 tỉnh Pursat, ông bị thương nặng phải cắt bỏ chân trái. Sau thời gian điều trị tại đơn vị, đến năm 1989 ông được xuất ngũ. Rời quân ngũ trở về địa phương, hành trang mà thương binh Lê Bá Lộc mang về là một chiếc ba lô và thân thể không còn nguyên vẹn. Nhưng với ông, được sống và trở về vẫn là cả một sự may mắn và hạnh phúc so với nhiều đồng đội khác. Ngồi cạnh chồng, bà Nguyễn Thị Mẫn nói: “Hồi đó tôi thương ổng vì ổng hiền, lại mang thương tích vì nhiệm vụ. Khi đến dạm hỏi tôi, xóm giềng ai cũng bàn ra, nói vào, may mà ba má tôi thương rồi đồng ý gả vì biết ổng hiền lành, giỏi dắn”.

Năm 1993, ông Lộc cưới vợ. Lập nghiệp với đôi tay trắng với một người lành lặn đã không dễ, với một người thương tật như ông càng khó khăn gấp bội. “Lúc đó tôi luôn tự nhắc mình phải mạnh mẽ, nỗ lực nhiều hơn để gánh vác gia đình, không phụ lòng người vợ hiền luôn hết lòng bên cạnh”, ông Lộc tâm sự. Được sự chăm lo động viên giúp đỡ của chính quyền địa phương, ông Lộc được cấp 38.000m2 đất rừng làm kế sinh nhai. Không có vốn thuê nhân công, ông Lộc cùng vợ ngày ngày ra đồng phát quang, đào mương, cực khổ trăm bề. Mọi người vẫn thấy một thương binh dáng người nhỏ thó, chống nạng gỗ, cần mẫn từng nhát cuốc, nhát len chinh phục vùng đất chua phèn. Phát quang cỏ dại đến đâu, ông Lộc cấy lúa đến đó nhưng rồi cũng èo uột, tàn lụi vì nước nhiễm phèn nặng. Đất không phụ người. Theo thời gian, Nhà nước xẻ kênh thủy lợi, ruộng đồng từ đó được tháo chua, rửa phèn, cây lúa ngày một xanh tốt hơn. Và cuộc sống của gia đình ông Lộc dần cải thiện khi năng suất lúa tăng lên qua từng vụ. Là nông dân nòng cốt, ông Lộc luôn tiên phong thực hiện các phong trào ở địa phương. Như khi xã xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ông là người đầu tiên đăng ký tham gia, rồi vận động nhiều hộ khác cùng hưởng ứng. Nhiều năm nay, ông Lộc ký hợp đồng với Tập đoàn Lộc Trời sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao xuất khẩu nên giảm chi phí, lợi nhuận cao hơn so với cách làm truyền thống. Ông Lộc được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.

Theo ông ra đồng giặm lúa, thỉnh thoảng chúng tôi phải chạy theo những dấu chân tròn in trên nền đất bờ ruộng vì ông Lộc đi khá nhanh. Hết giặm lúa, nhổ cỏ, đào đất đắp mẫu, lại đến chăm sóc vườn cà, vườn mai, chỗ nào cũng in dấu chân tròn ấy. Nhìn ông Lộc đứng trên bờ mẫu với một tay chống nạng, tay còn lại thoăn thoắt dời từng cụm lúa đặt xuống ngay hàng thẳng lối, lòng tôi thật sự khâm phục nghị lực vượt khó của người thương binh ấy.

Dù cuộc sống mưu sinh bộn bề, nhưng cứ vào tháng 12 hằng năm, ông Lộc lại ôm đàn rồi ngân nga ca khúc “Màu hoa đỏ” dù bàn tay chai sần có lúc làm lỡ nhịp phím đàn. Có lẽ ông nhớ đồng đội mình, muốn nhờ những ca từ da diết ấy để thắp lên nén tâm hương cho những đồng đội nằm lại trên đất khách, những người khiến ông tự nhắc mình phải sống tốt, sống có ích cho cả phần của họ.

Theo AN NAM (Báo Cần Thơ)