Kiên Giang: Vùng kinh tế mới Rọc Xây từng ngày chuyển mình

13/08/2019 - 13:46

Khu kinh tế mới Rọc Xây trên địa bàn ấp Tràm Trổi, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành sau hơn 15 năm hình thành đã trở thành mảnh đất lành cho những người dân nghèo khó từ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang về đây lập nghiệp.

Khu kinh tế mới Rọc Xây trên vùng biên giới Giang Thành đã “thay da đổi thịt”. 

Điện, đường, trường, trạm khang trang trên một vùng biên giới xa xôi là kết quả từ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước cùng sự nỗ lực vượt khó, thoát nghèo của người dân nơi đây.

Huyện Giang Thành được tách ra từ huyện Kiên Lương từ 2009 với 42 km đường biên giới giáp nước bạn Campuchia, bao gồm 5 xã: Vĩnh Ðiều, Vĩnh Phú, Tân Khánh Hòa, Phú Lợi và Phú Mỹ. Khoảng 20 năm trước, nơi đây còn là một vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn với tràm và lau sậy bạt ngàn. Năm 2003, tỉnh Kiên Giang chủ trương di dân theo dự án Khu kinh tế mới Bắc Phú Mỹ và Nam Vĩnh Điều, đưa 320 hộ dân thuộc diện nghèo từ các huyện An Biên, Châu Thành, Gò Quao và Giồng Riềng lên ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành lập nghiệp, hình thành Khu kinh tế mới Rọc Xây. Đến năm 2007, ấp Vĩnh Lợi được tách ra thành ấp Tràm Trổi và Vĩnh Lợi, Khu kinh tế mới Rọc Xây lúc này thuộc ấp Tràm Trổi.

Cánh đồng lúa xanh bát ngát trên vùng kinh tế mới Rọc Xây. 

Lên vùng kinh tế mới Rọc Xây từ những ngày đầu năm 2003, ông Nguyễn Văn Tùng, ngụ ấp Tràm Trổi, xã Vĩnh Điều cho biết, vùng đất này lúc bấy giờ còn nhiều kênh rạch, đường lầy lội chỉ đi được bằng vỏ lãi (xuồng máy) hoặc đi bộ, người dân sống thưa thớt, không có điện và nước sạch. Ngoài phần đất sản xuất được Nhà nước cấp là 3 ha, gia đình ông cùng với tất cả các hộ thuộc dự án Khu kinh tế mới Bắc Phú Mỹ và Nam Vĩnh Điều còn được hỗ trợ thêm gần 30 triệu đồng (cấp theo nhiều đợt) để ổn định cuộc sống và đầu tư phát triển kinh tế.

Bí thư Chi bộ - Trưởng ấp Tràm Trổi Nguyễn Văn Vi kể lại: Những ngày đầu là rất nhiều thách thức vì đất ở đây đều hoang hóa, không bằng phẳng lại bị nhiễm phèn. Khoảng hai, ba năm đầu, việc khai hoang, canh tác rất vất vả. Phải đến mấy năm tiếp theo, Nhà nước đào các tuyến kênh khơi nước lũ vào đồng ruộng, cùng với ý chí vươn lên của người dân, những cánh đồng trên vùng kinh tế mới Rọc Xây mới được rửa phèn và nhận lượng phù sa cho đất. Nếu như canh tác lúa trước đây chỉ một vụ mỗi năm thì sau này, tăng lên hai vụ mỗi năm, sản lượng lúa theo đó cũng tăng lên hàng năm.

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Chương trình 135, chính quyền xã Vĩnh Điều cũng tranh thủ mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển Khu kinh tế mới Rọc Xây với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Các tuyến đường giao thông bê tông dần được kết nối dọc trên các tuyến kênh, các cầu ván được thay thế bằng cầu sắt, cầu bê tông kiên cố. Từ nguồn vốn xã hội hóa và người dân cùng chung tay đóng góp, 25 cây cầu sắt của ấp Tràm Trổi được xây mới và sửa chữa. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, người dân đã biết ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, chuyển đổi vùng đất kém hiệu quả sang trồng những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Từ chỗ người dân Rọc Xây chỉ sạ giống IR50404 hay các loại lúa nếp, đến nay hầu hết đã chuyển sang trồng các giống lúa chất lượng cao, năng suất thu hoạch đạt trên 5 tấn/ha.

Đường giao thông qua khu dân cư vùng kinh tế mới Rọc Xây được bê tông hóa.

Ngoài việc canh tác lúa là chủ yếu, người dân Rọc Xây còn xen vụ trồng các loại hoa màu như: dưa hấu, khoai mỡ, khoai mì… Ấp Tràm Trổi có các tuyến kênh NT4, NT5, NT6, NT7 và Kênh Giữa chạy qua có chất đất không giống nhau nên tùy theo mỗi tuyến kênh mà người dân canh tác mỗi loại cây hoa màu cho phù hợp. Cũng nhờ các tuyến kênh mà sản phẩm hoa màu sau khi thu hoạch được ghe xuồng tới tận nơi, rất thuận tiện trong việc để thu mua. 

Từ một vùng đất xuất phát điểm 100% hộ nghèo, hiện số hộ nghèo Khu kinh tế mới Rọc Xây giảm xuống còn 113/372 hộ. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Điều Trần Thanh Lâm chia sẻ, cuộc sống người dân ở Khu kinh tế mới Rọc Xây đang ngày càng được nâng cao, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương, đảm bảo quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Chính quyền xã Vĩnh Điều đang tiếp tục hỗ trợ các hộ thoát nghèo, phấn đấu đến cuối 2020 hoàn thành kế hoạch xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo Báo Tin Tức