Các HTX đã và đang trở thành động lực quan trọng trong xây dựng NTM trên địa bàn Hậu Giang.
Kinh tế tập thể, với nòng cốt là các HTX đã và đang trở thành động lực quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Việc phát triển mạnh mẽ và bền vững kinh tế tập thể không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, mà còn xây dựng nền tảng vững chắc để chuyển đổi nông nghiệp hiện đại và phát triển nông thôn bền vững.
Thời gian qua, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng huyện Châu Thành A đã tập trung đổi mới và phát triển mô hình kinh tế tập thể. Nhiều tổ hợp tác và HTX hoạt động liên tục, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của người dân, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay, trên địa bàn huyện Châu Thành A có 33 HTX (hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 27 HTX với 1.456 thành viên). Trong đó, HTX Nông nghiệp Hiếu Lực, ở ấp Trường Hòa A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, được thành lập năm 2016, lúc đầu với 11 thành viên, tổng diện tích là 11ha đất sản xuất lúa, sản lượng gạo bán ra thị trường khoảng 30 tấn/năm, trong đó gạo thơm Hương Quê chiếm số lượng nhiều. Từ mô hình HTX, các thành viên không ngừng gia tăng sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng NTM.
Theo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Châu Thành A, nhìn chung các HTX trên địa bàn đã có sự chuyển biến về phương thức hoạt động, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả hoạt động đúng theo Luật HTX. Các HTX từng bước mở rộng quy mô, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất.
Ở HTX Tân Thành Trường Phát, ấp Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, cũng phát huy được hiệu quả hoạt động của mình khi góp phần làm tăng thu nhập cho bàn con trồng sầu riêng vùng này. Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Tân Thành Trường Phát, chia sẻ: “Được thành lập vào năm 2019, hiện tại khoảng 20 thành viên bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả. Với quy mô 340.000m2 trồng sầu riêng của HTX, tổng sản lượng ước đạt 600 tấn/năm, đem lại nguồn thu nhập khá cao cho bà con”.
Bên cạnh đó, hoạt động liên doanh, liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị của các HTX bước đầu đã có những hiệu quả nhất định. Đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động đúng bản chất và mang lại hiệu quả kinh tế; nhiều HTX chuyên ngành được ưu tiên tập trung phát triển để tạo ra sản phẩm như: xoài cát, ba ba, sản xuất lúa chất lượng cao...
Đồng thời, các HTX này tìm được hướng đi phù hợp, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với sản phẩm có lợi thế, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chú trọng thị trường đầu ra và định hướng phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm. Đây thực sự là hướng đi có hiệu quả trong xây dựng HTX kiểu mới, điển hình có HTX chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi với sản phẩm ba ba và cua đinh thực hiện liên kết với doanh nghiệp, vừa là thành viên vừa là đối tác tiêu thụ đầu ra cho các xã viên HTX.
Mô hình kinh tế tập thể thời gian qua đã tích cực cùng nông dân liên kết, hỗ trợ lẫn nhau và cùng nhau phát triển. Trong chương trình xây dựng NTM, HTX và các tổ chức kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng ở nhiều khía cạnh như: tăng cường liên kết sản xuất; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ; cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và xây dựng NTM toàn diện.
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành A, cho biết địa phương sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình kinh tế tập thể gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và chương trình OCOP. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn nhằm tiêu thụ hàng hóa, hướng tới sản xuất các sản phẩm sạch, chất lượng cao, nâng cao uy tín và thương hiệu, từng bước nâng giá trị nông sản địa phương.
Theo MAI THANH (Báo Hậu Giang)