Theo Ban tổ chức, ngoài chương trình nghệ thuật khai mạc được dàn dựng công phu, đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng của thành phố trẻ Hà Tiên; lễ hội năm nay có các hoạt động đường phố (giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian, nhảy hiện đại, nhảy dân vũ, đàn organ, nhạc cụ dân tộc, tặng thiệp chúc xuân, triển lãm sách); phố ông đồ; hội chợ ẩm thực và biểu diễn nghệ thuật ẩm thực; gian hàng quảng bá sản phẩm du lịch; viếng mộ Đông Hồ và thăm nhà lưu niệm Đông Hồ; thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên đầm Đông Hồ; diễu hành xe hoa; Ngày thơ Việt Nam và họp mặt các văn nghệ sĩ (khai bút đầu xuân, giới thiệu tác giả, tác phẩm mới); hái lộc đầu xuân, dâng hương.
Chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội sẽ thu hút đông người dân về tham dự và thả hoa đăng.
Nét mới so với những năm trước là lễ hội kéo dài 3 ngày, tổ chức khai mạc hội hoa đăng để từng bước nâng lễ hội hoa đăng là một hoạt động đặc trưng của Hà Tiên trong thời gian tới. Với số lượng hoa đăng rất lớn, vượt xa so với những năm trước, với trên 100 mô hình hoa đăng lớn và hơn 30 ngàn hoa đăng nhỏ được thả trên sông Đông Hồ, trang trí dọc tuyến đường Quảng trường Chiêu Anh Các. Người dân được tham gia thả hoa đăng trong 2 đêm 14 đến 15-1 âm lịch.
Dịp này, địa phương cũng sẽ tổ chức khánh thành Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các, có mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng, xây dựng trong khu di tích Núi Bình San (kế bên đền thờ họ Mạc).
Đây sẽ là nơi lưu giữ các tác phẩm văn học, những hình ảnh, hiện vật của Tao đàn Chiêu Anh Các xưa; đồng thời làm nơi để tổ chức các hoạt động văn học, nghệ thuật của Hà Tiên, đặc biệt là nơi để các văn nghệ sĩ đến giao lưu thơ, văn vào đêm nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm) và để cho du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển Tao đàn Chiêu Anh Các, một trong những Tao đàn lớn và xưa nhất của cả nước.
Theo THẾ HẠNH (Công An Nhân Dân)