Ký ức về cuộc chiến bảo vệ biên giới giúp nước bạn Campuchia

12/01/2024 - 10:48

Tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, những người lính của Minh Hải ngày nào vẫn ấp ủ trong lòng mong mỏi vun đắp cho tình cảm hữu nghị giữa 2 nước trong thời bình.

A A

Thắng lợi vẻ vang 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Việt Nam giành lại nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước năm 1975. Ðến khi hoà bình lập lại chưa bao lâu, những cán bộ, chiến sĩ của ta tiếp tục lên đường giúp nước bạn Campuchia giúp chống chế độ diệt chủng của Pol Pot hung tàn, đồng thời bảo vệ biên giới Tây Nam của lãnh thổ thân yêu. Trong đội hình quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Campuchia ngày ấy, có rất nhiều những người con của quê hương Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu). Họ đã gác lại nhiều ước mơ, hoài bão, hy sinh tuổi xuân và một phần máu thịt để đánh đổ chế độ diệt chủng trên đất nước Campuchia; bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Vượt thiếu thốn, đùm bọc, chở che cho dân mình, dân bạn

Gặp lại những người lính năm nào và nghe từng dòng hồi ức của họ về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia mới hiểu hết cái tình của người Việt Nam dành cho bạn bè.

Ðại tá Võ Hà Ðô, từng là cán bộ trinh sát của Ðại đội Trinh sát tỉnh Minh Hải, vẫn nhớ như in từng giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến: “Sau giải phóng năm 1975 chỉ 5 ngày, Pol Pot đã gây hấn, đánh Trung Quốc, đánh chiếm Thổ Chu và lùa 500 người dân sát hại tàn nhẫn. Từ năm 1975-1976, Pol Pot gây hấn liên tục dọc tuyến biên giới của nước ta như: Tây Ninh, Ðồng Tháp, An Giang... Sang năm 1977, chúng tăng cường lực lượng với hàng chục sư đoàn tấn công sang. Ðặc biệt là sự kiện Pol Pot đánh sang An Giang và giết hơn 300 người dân tại Ba Chúc. Người dân phải bỏ hết ruộng vườn, nhà cửa để chạy nạn. Thời điểm năm 1977 là ác liệt nhất dọc tuyến biên giới. Ðồng bào chết nhiều, bộ đội biên phòng chiến đấu cũng hy sinh vô số. Ðến năm 1978, Ðảng và Nhà nước ta không muốn gây chiến tranh nhưng trước tình hình quá cam go, căng thẳng nên buộc phải dùng biện pháp quân sự, đứng lên bảo vệ biên giới lãnh thổ. Lúc này, lực lượng vũ trang các tỉnh, quân khu đã tiến lên bảo vệ biên giới và người dân, chứ chưa tấn công sang Campuchia. Bộ đội Minh Hải bắt đầu tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam hồi tháng 5/1978 với 4 đại đội, cao điểm nhất là vào cuối tháng 11/1978 với 11 tiểu đoàn. Ðợt đánh ác liệt nhất là tháng 12/1978”.

Đại tá Võ Hà Đô, từng là cán bộ trinh sát của đại đội trinh sát của tỉnh Minh Hải ghi lại những sự kiện quan trọng mà ông vẫn nhớ như in trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Ông Ngô Quang Nhơn (Tư Ðạo), nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, người trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, không giấu sự tự hào: "Sau năm 1975, chúng tôi tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, hành quân lên chiến đấu ở biên giới. Chiến trường ở Trà Phô rất ác liệt, bộ đội mình hy sinh gần 1 trung đội, Pol Pot đánh bứt hết một đoạn chiến hào, quân chi viện của chúng ta mới phản công đánh chúng bật trở ra, bỏ chạy. Dù vậy, tối đến, chúng lại tiếp tục đánh. Chúng tôi cầm cự đến sáng mới tổng phản kích diệt 1 đại đội địch. Từ đó, bọn chúng mới bỏ ý định chiếm Trà Phô làm bàn đạp đánh chiếm Hà Tiên và tháo chạy về biên giới. Sang năm 1979, Trung ương và Bộ Quốc phòng có chủ trương tổng tấn công toàn lực sang biên giới tiêu diệt chế độ Pol Pot và giải phóng Nhân dân Campuchia. Lúc này, nhiệm vụ chiến lược được nâng lên là tiêu diệt chế độ diệt chủng để cứu giúp người dân nước bạn".

Ông Ngô Quang Nhơn (Tư Đạo), Phó chủ nhiệm chính trị của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau cũng là người trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam không giấu xúc động khi nhớ về một giai đoạn chiến đấu can trường của mình và đồng đội.

Ðại tá Võ Hà Ðô xúc động hồi nhớ: "Mình không muốn có chiến tranh, kẻ thù buộc chúng tôi một lần nữa cầm súng sau giải phóng chưa được bao lâu. Người lính chúng tôi còn chưa kịp nghĩ đến hạnh phúc gia đình đã phải gác lại mọi chuyện riêng tư để lên chiến trường biên giới tham gia chiến đấu. Lên biên giới Tây Nam, tôi chứng kiến cảnh Pol Pot tàn sát Nhân dân mình một cách hết sức man rợ, chúng tôi rất căm thù. Tháng 1/1979, quân tình nguyện Việt Nam qua Campuchia chiến đấu giúp nước bạn thoát hoạ diệt chủng. Bộ đội mình vào và giải phóng, lũ lượt người dân Campuchia trở về. Chúng tôi nhìn những người dân Campuchia đói khát, còn da bọc xương trong những bộ đồ đen, đồ nâu thảm thương vô cùng. Chúng tôi cảm thấy xót xa, cảm thương cho họ đã sống trong chế độ Pol Pot 3 năm 4 tháng 21 ngày, bị tàn sát gần hết. Bộ đội mình ngày đó thực phẩm cũng không bao nhiêu, cũng chịu đói khát nhưng vẫn sẵn sàng chia sẻ phần ăn, thuốc men của mình cho người dân Campuchia. Tôi nhớ hoài cái cảnh người dân Campuchia được tìm thấy trong rừng vì họ lẩn trốn Pol Pot. Sau khi giải phóng, chúng tôi tìm thấy những người còn sót lại. Họ đói khát không đi nổi nữa. Chúng tôi phải dìu ra ngoài, nấu cháo loãng cho ăn để cứu sống họ. Mấy ngày sau, người dân Campuchia khoẻ lại, chúng tôi mới chỉ đường cho quay về. Ði đến đâu, bộ đội Việt Nam đều cứu giúp Nhân dân Campuchia đến đó. Chúng tôi làm nghĩa vụ quốc tế bằng sự vô tư, trong sáng. Mình giải phóng đất nước của bạn cũng đồng nghĩa bảo vệ đất nước của mình từ xa. Tấm lòng của người lính tình nguyện Việt Nam sang Campuchia làm nhiệm vụ chỉ có người dân Campuchia khi đó là thấu hiểu sâu sắc nhất".

Mong góp sức vun đắp tình hữu nghị

Sau 45 năm kể từ ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2024), những người lính quân tình nguyện ngày ấy và là cựu chiến binh hôm nay luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới” của cựu chiến binh Việt Nam, tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghị của 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia.

Cả hai đều mong mỏi tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia dù còn chút sức lực của tuổi già.

Hoà bình lập lại, những người lính Việt năm nào từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới và giúp người dân Campuchia chống chế độ diệt chủng Pol Pot bạo tàn tuổi cũng đã cao, thế nhưng, tình cảm của họ dành cho nước bạn chưa bao giờ vơi đi. Có người được quay về thăm lại nơi từng chiến đấu, thăm lại những người đồng đội Campuchia năm nào. Có người chưa có điều kiện nhưng vẫn ngày ngày cập nhật tình hình trên các bản tin của báo đài để dõi theo sự phát triển của đất nước Campuchia. Họ vẫn mong tình cảm của 2 nước bền chặt và lớn mạnh hơn theo thời gian và giống như cái tình mà chiến sĩ Việt Nam đã dành chọn cho quân dân Campuchia trong cuộc chiến đấu sát cánh năm nào. Như lời chia sẻ của Ðại tá Võ Hà Ðô: "Việc xây dựng tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã thuộc về truyền thống của 2 nước và quân đội ta. Chúng ta đã nhiều lần sang giúp bạn ở Campuchia, trong kháng chiến chống Mỹ chúng ta đã có mặt ở Campuchia để hỗ trợ chiến đấu. Chúng ta đã đổ cả máu xương để giữ vững tình đoàn kết 2 nước. Tôi và anh Tư Ðạo đều là hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Trách nhiệm của chúng tôi là sẽ góp phần vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 nước bền chặt lâu đời và ngày càng tốt đẹp hơn. Trong thời bình hiện nay, 2 đất nước đã quan hệ tốt đẹp hơn, có những hành động thiết thực để gắn kết và mang lại lợi ích chung cho 2 nước".

Chung tâm tình, ông Ngô Quang Nhơn bày tỏ: “Giữ tình hữu nghị với Campuchia cũng chính là bảo vệ Tổ quốc. Là những người từng không tiếc tuổi xuân, máu xương mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân 2 nước Việt Nam - Campuchia, chúng tôi mong muốn mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Nhân dân 2 nước ngày càng được vun đắp"./.

Theo LAM KHÁNH (Báo Cà Mau)