Nông dân Hậu Giang đã và đang quan tâm phòng trừ hiệu quả các loại dịch hại trên lúa Đông xuân để kỳ vọng đạt năng suất cao khi thu hoạch.
Tín hiệu vui
Qua ghi nhận của ngành chức năng thì hiện nay một số tỉnh, thành tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như: Đồng Tháp, Sóc Trăng,… nông dân đã bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa Đông xuân sớm với niềm vui trúng mùa và bán được giá cao. Cụ thể, hiện giống lúa thường (OM 5451, IR 50404) được thương lái cân tại ruộng có giá từ 8.700 - 10.000 đồng/kg, lúa thơm từ 9.700 đồng đến trên 10.000 đồng/kg và nhóm lúa ST có giá từ 11.000 đồng/kg trở lên. Nhìn chung, giá bán các loại lúa tươi tại ruộng của nông dân đang tăng từ 2.000 đồng/kg trở lên so với cùng kỳ. Về năng suất lúa bình quân đạt hơn 6,4 tấn/ha, nhiều diện tích đạt từ 7-7,5 tấn/ha. Như vậy, với năng suất và giá bán lúa như hiện tại thì sau khi trừ các khoản chi phí, nông dân thu hoạch lúa Đông xuân sớm tại vùng ĐBSCL có lợi nhuận từ 30-50 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Minh Hùng, hộ có hơn 1ha lúa Đông xuân đang trong giai đoạn làm đòng tại ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết nhiều bà con ở ĐBSCL đang bán lúa Đông xuân sớm được giá cao nên bản thân cũng vui theo. Bởi đây là tín hiệu cực kỳ vui cho nông dân trồng lúa, vì từ trước tới giờ, giá bán lúa tươi lại vượt qua mức 8.000 đồng/kg, có giống lúa chạm mốc 11.000 đồng/kg. Đây thật sự là thông tin tạo động lực rất lớn giúp tôi và nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh tích cực chăm sóc lúa để làm sao đạt năng suất cao nhất có thể, đồng thời cộng với việc tới đây, bán lúa được giá cao, từ đó tăng nguồn thu nhập cho gia đình”.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ổn định. Cụ thể, ghi nhận giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào ngày 15-1 vừa qua, gạo 25% tấm ở mức 618 USD/tấn, trong khi đó gạo 5% tấm giữ ổn định ở mức 653 USD/tấn. Còn tại các kho xuất khẩu, giá gạo không có biến động. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 50404 duy trì ở mức 13.050-13.150 đồng/kg; gạo nguyên liệu dao động ở mức 12.900-13.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu Sóc Trăng ở mức 12.250-12.350 đồng/kg; gạo OM 5451 ở mức 13.700-13.800 đồng/kg; gạo OM 18 và Đài Thơm 8 ở mức 14.050-14.150 đồng/kg. Với việc giá gạo ổn định ở mức cao như trên nên kéo theo giá thu mua lúa trong dân cũng đang ở mức hấp dẫn cho bà con.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cho biết, giá gạo Việt Nam đang cao hơn Thái Lan là nhờ sự đầu tư bài bản của nông dân. Theo các doanh nghiệp, trong năm 2024, giá gạo dự báo tiếp tục neo ở mức cao. Do đó, Việt Nam cần tận dụng các cơ hội trên thị trường khi nhu cầu tiêu thụ lúa gạo vẫn đang rất lớn.
Tích cực chăm sóc lúa Đông xuân
Với những tín hiệu lạc quan về thị trường xuất khẩu gạo, đặc biệt là giá bán lúa tươi hiện nay tại ĐBSCL đang ở mức cao đã tạo động lực lớn cho nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ra sức chăm sóc tốt cho ruộng lúa Đông xuân của gia đình mình, từ đó có thể đạt năng suất cao khi vào vụ thu hoạch.
Ông Trần Văn Sinh, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, thông tin: “Nhận định giá bán lúa Đông xuân sắp tới đây sẽ ở mức hấp dẫn nên từ khi xuống giống lúa Đông xuân đến nay được hơn 70 ngày tuổi, tôi và bà con ở cánh đồng nơi đây thường xuyên đi thăm đồng để quản lý và phòng trừ các loại dịch hại trên cây lúa được kịp thời. Nhờ vậy, các trà lúa Đông xuân đang phát triển tốt, dịch hại xuất hiện ít, từ đó bà con kỳ vọng năng suất lúa sẽ đạt cao khi vào vụ thu hoạch”.
Tương tự, ông Lê Văn Ri, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho hay: “Tuy lúa đang trong giai đoạn làm đòng nhưng nhìn mảnh ruộng nào cũng xanh mướt, bằng ngọn, lúa nở bẹ nhiều, không có cỏ dại, dịch bệnh cũng ít nên qua kinh nghiệm trồng lúa nhiều năm, tôi và bà con nơi đây đánh giá vụ lúa Đông xuân năm nay sẽ trúng mùa. Để có được ruộng lúa xanh tốt như lúc này thì từ khi xuống giống đến nay, bà con chăm sóc lúa rất tỉ mỉ ở từng công đoạn, nhất là quản lý chặt các loại sinh vật gây hại để hạn chế sự tấn công đến cây lúa, từ đó giúp cây lúa phát triển tốt, hứa hẹn cho mùa bội thu cho nông dân”.
Vụ lúa Đông xuân 2023-2024, hiện nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được hơn 74.136ha, trong đó lúa ở giai đoạn mạ có 8.393ha, giai đoạn đẻ nhánh có gần 43.000ha và giai đoạn làm đòng gần 23.000ha. Qua kết quả thăm đồng mới đây của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện toàn tỉnh ghi nhận có 2.810ha lúa Đông xuân bị nhiễm sinh vật gây hại; trong đó, có 3 đối tượng sinh vật gây hại đang tăng diện tích so với thời điểm cách nay khoảng 10 ngày, nông dân cần quan tâm phòng trừ là rầy nâu nhiễm 143ha (tăng 59ha), rầy tuổi 3, 4, 5, mật số từ 750-1.500 con/m2; đối tượng kế tiếp là chuột cắn phá gây hại trên các giai đoạn lúa từ mới gieo sạ đến làm đòng, với diện tích 818ha (tăng 46ha), tỷ lệ nhiễm từ 3-10% trên cùng diện tích lúa; đồng thời bệnh đạo ôn lá nhiễm 993ha (tăng 50ha), tỷ lệ nhiễm từ 5-15% trên các trà lúa đẻ nhánh.
Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Mặc dù sinh vật hại đang xuất hiện trên một số diện tích lúa Đông xuân, nhưng nhờ ngành nông nghiệp và người dân trong tỉnh chủ động quan tâm phòng trừ nên tình hình gây hại không đáng ngại, hầu hết các diện tích lúa Đông xuân trong tỉnh đều đang phát triển tốt. Tuy nhiên, theo dự báo thời tiết trong những ngày tới trên địa bàn tỉnh xuất hiện sương mù nhẹ vào sáng sớm, ẩm độ trên 80%; đây là điều kiện thuận lợi cho sinh vật gây hại phát sinh, phát triển trên cây lúa. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân có lúa Đông xuân ở giai đoạn mạ cần tiếp tục quản lý ốc bươu vàng và bọ trĩ gây hại; còn trên các trà lúa đẻ nhánh đến làm đòng thì cần chú ý quản lý bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá, rầy nâu và chuột gây hại. Riêng đối với bệnh đạo ôn lá khi phát hiện vết chấm kim thì tiến hành phun trừ kịp thời nhằm khống chế sự phát tán lây lan của dịch bệnh.
Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)