Làm giàu từ thanh long

26/05/2020 - 09:42

Điềm đạm, chịu khó tìm tòi học hỏi là cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với nông dân Lê Đình Quang (ấp Tân Đông, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Sau khi nghỉ hưu, về với ruộng vườn, ông Quang nhận thấy cây lúa và vườn cây ăn trái của gia đình không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Năm 2000, khi địa phương phát động chuyển đổi sản xuất, ông Quang là một trong những người tiên phong trong phong trào chuyển đổi sang cây trồng lợi thế của địa phương là thanh long.

Chia sẻ về việc chuyển đổi sang trồng thanh long thời gian qua, ông Quang cho biết, sau khi cây lúa không còn cho lợi nhuận tốt, ông đã tìm hiểu nhiều cây trồng triển vọng, phù hợp thổ nhưỡng của địa phương và đã chọn cây thanh long. Theo đó, toàn bộ hơn 1,5 ha đất của gia đình đã chuyển sang trồng thanh long với hơn 2.500 gốc, trong đó có trên 500 gốc thanh long ruột đỏ.

Để trồng thanh long đạt hiệu quả cao, ông Quang đã tìm tòi, học hỏi các phương pháp canh tác tiên tiến, tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật để áp dụng vào vườn thanh long của gia đình. Nhờ vậy, việc chuyển đổi cây trồng của ông đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đời sống gia đình ngày càng ổn định.

Không dừng lại ở đó, sau khi Hội Nông dân xã phát động mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ông Quang là một trong những người đi tiên phong trong phong trào này. Bởi ông hiểu rằng, trong canh tác nông nghiệp, phân bón hữu cơ có vai trò rất quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Bón phân hữu cơ không chỉ có tác dụng cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, chống xói mòn, hạn chế sự bạc màu..., mà còn giúp tiết kiệm một lượng phân bón hóa học lớn.

Nhờ đó, vườn thanh long của ông cho năng suất cao, chất lượng trái tốt. Cụ thể, trung bình mỗi năm, ông thu lợi nhuận từ thanh long trên 150 triệu đồng. Sau nhiều năm trồng thanh long cho hiệu quả cao, ông được các cấp từ xã đến Trung ương khen thưởng là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu. 

Ngoài sản xuất giỏi, ông Quang còn luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương. Cụ thể, ông tham gia đóng góp các loại quỹ của địa phương như: Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Khuyến học... Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Quang cùng người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn giúp diện mạo nông thôn trong xã ngày càng khang trang hơn.

Theo NGỌC DUYÊN (Báo Ấp bắc)