Đến làng nhang Bình Đức trong những ngày này, dễ dàng thấy được không khí nhộn nhịp, hối hả của các hộ dân nơi đây. Dọc theo những tuyến đường, lúc nào cũng nghe tiếng “lách cách” của những chiếc máy se nhang. Còn ngoài sân luôn tràn ngập sắc màu của những cây nhang, từ đỏ, đen cho đến vàng. Cô Trần Thị Gỡ (60 tuổi, ngụ khóm Bình Đức 4, phường Bình Đức, An Giang) một trong những gia đình có truyền thống làm nghề nhang lâu đời ở địa phương.
Theo cô Gỡ, nghề làm nhang ở đây hoạt động quanh năm. Tuy nhiên, thời gian nhộn nhịp nhất bắt đầu từ đầu tháng Chạp: “Thời điểm này hầu như ai cũng tranh thủ làm, để kiếm thêm thu nhập. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán, mọi người phải hoạt động hết công suất” - cô Gỡ cho hay.
Nghề làm nhang góp phần tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi
Trước đây, nghề làm nhang hoàn toàn bằng thủ công, người thợ phải để nguyên liệu trên bàn, se từng cây một. Với những người thợ lành nghề, 1 ngày làm việc từ 7 giờ sáng đến chiều tối, nhiều nhất chỉ được 5.000 cây. Những năm gần đây, người làm nhang Bình Đức đã có máy móc hỗ trợ nên công việc đỡ vất vả hơn.
“Máy móc, nguyên liệu có sẵn, chúng tôi chỉ bỏ công. Công việc rất đơn giản, chỉ cần bỏ nguyên liệu vào ống, tay đút tăm vào máy là được. Nhang làm xong được mọi người đem phơi. Trời nắng thì phơi 1 buổi, trời râm thì phơi từ 1-2 ngày” - cô Gỡ thông tin. Mỗi ngày, từ 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa, với 2 cái máy, làm được 3 muôn (1 muôn = 10.000 cây), thời gian còn lại là phơi nhang, đóng gói sản phẩm để đem ra thị trường.
Bên cạnh việc sử dụng máy móc, làng nghề làm nhang Bình Đức có hộ vẫn giữ phương pháp truyền thống. Chị Nguyễn Thị Diễm (46 tuổi), chủ cơ sở sản xuất nhang theo phương pháp truyền thống còn lại trong làng nghề cho biết, so với cách làm hiện đại như ngày nay, làm theo phương pháp truyền thống sản phẩm làm ra tuy không đồng đều, không đẹp nhưng chi phí sản xuất thấp, sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận, không phải lo lắng về đầu ra.
Dù là làm máy hay bằng tay, nghề làm nhang khóm Bình Đức 4 đã góp phần tạo công ăn, việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là phụ nữ trung niên. “Để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho thị trường, cơ sở tôi thuê thêm nhân công, làm lương ăn theo sản phẩm. Bình quân mỗi ngày, mỗi lao động làm từ 5-6 thiên (1 thiên = 1.000 cây). Mỗi thiên, tôi trả cho họ 10.000 đồng, mỗi ngày họ kiếm từ 60.000-70.000 đồng. Ngoài giờ làm, họ còn có thời gian để tham gia công việc nội trợ, chăm sóc gia đình” - chị Diễm cho biết.
Hiện nay, sản phẩm của làng nghề làm nhang Bình Đức phong phú và đa dạng với nhiều chủng loại như: nhang thường, nhang có hương thơm, nhang 3 cây (loại dùng để đón giao thừa, rước ông bà). Trong đó, các sản phẩm có mùi thơm dễ bán hơn. Ngoài ra, các mặt hàng này giá cả cũng phải chăng nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Chị Nguyễn Thị Thúy Kiều (chủ cơ sở kinh doanh nhang Bảy Khuê trên địa bàn khóm Bình Đức 4) cho biết: “Những ngày bình thường, cơ sở bán lai rai, trong những dịp Tết bán nhiều hơn một chút, số lượng không đáng kể chỉ tăng khoảng 40-50%. Chủ yếu tập trung vào Tết Nguyên đán và rằm tháng giêng” - chị Kiều tâm sự.
Mặt hàng nhang được tiêu thụ mạnh ở thị trường ĐBSCL như: Hậu Giang, TP. Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng… và cả nước bạn Campuchia. Việc phát triển nghề làm nhang đã góp phần tạo công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
ĐỨC TOÀN