Làm rõ thủ đoạn lừa xuất khẩu lao động

06/02/2025 - 09:56

Dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động thời vụ, tuy nhiên thời gian qua vẫn có trường hợp người dân mắc bẫy của bọn xấu.

Đối tượng Nguyễn Thị Lệ Hoa làm giả các hợp đồng lao động để lừa đảo người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.

Theo Công an tỉnh, năm 2024, toàn tỉnh khởi tố 3 vụ, bắt tạm giam 4 đối tượng về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”,“tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. 

 Trong đó, thủ đoạn phổ biến hiện nay là các đối tượng tự nhận bản thân có khả năng đưa lao động đi Hàn Quốc để thu hồ sơ của lao động, sau đó, tìm mọi cách đưa ra thông tin giả về đối tác Hàn Quốc, hứa hẹn môi trường làm việc, mức lương lý tưởng, làm giả hình ảnh visa lao động để người lao động tin tưởng đóng tiền nhằm chiếm đoạt tài sản của người lao động.

 Các đối tượng cò mồi, môi giới tuyển dụng tràn lan lao động có nhu cầu đi Hàn Quốc, yêu cầu lao động đóng tiền cọc từ 10 triệu đến 20 triệu đồng; sau đó, với các lao động không xuất cảnh, được chi trả lại một phần, số còn lại các đối tượng chiếm đoạt…

Ngoài ra, một số đối tượng còn tìm cách tổ chức cho người lao động trốn đi nước ngoài bằng nhiều hình thức đưa người lao động đi Hàn Quốc bằng visa du lịch, du học rồi trốn ở lại làm việc bất hợp pháp; làm giả các loại giấy tờ nằm trong thủ tục, hồ sơ xin visa (bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ đào tạo nghề, giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc) để đánh lừa cơ quan thẩm định của Hàn Quốc.

Trước đó, vào tháng 11-2024, Công an huyện Châu Thành A đã bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Lệ Hoa (sinh 1994), trú tại thị trấn Cái Tắc để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại cơ quan công an, Hoa khai nhận do bản thân không có nghề nghiệp và phải nuôi con nhỏ nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác để tiêu xài.

Cụ thể, Hoa mua sim rác để đăng ký tài khoản mạng xã hội Facebook với tên “Nhân Lực Quốc Tế Thắng Lợi Hàn Quốc”. Sau đó, Hoa đăng tải hình ảnh người dân Việt Nam đang lao động, thu hoạch nông sản ở Hàn Quốc kèm các bài viết tuyển dụng lao động đi Hàn Quốc làm việc theo thời vụ tại các nông trường với mức lương từ 43-46 triệu đồng. Đồng thời, chia sẻ cho bạn bè và người quen để nhiều người biết liên hệ.

Khi người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, Hoa yêu cầu cung cấp hộ chiếu và đặt tiền cọc, hẹn khoảng 3 tháng sau người dân sẽ được đi Hàn Quốc như hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Hoa không làm thủ tục cho họ đi xuất khẩu lao động như ký kết mà lấy tiền tiêu xài cá nhân.

Nhận định từ cơ quan chức năng, hiện nay, một số trung tâm đào tạo ngoại ngữ, tư vấn du học trên địa bàn tỉnh hoạt động không đúng nội dung giấy phép đăng ký với các cơ quan chức năng, đặc biệt là tình trạng môi giới xuất khẩu lao động trá hình, liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động ngoài tỉnh khi chưa có giấy phép hoạt động trên lĩnh vực này. Mặt khác, một số doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động nhưng vẫn ngang nhiên đăng bảng hiệu quảng cáo, tiến hành nhận hồ sơ, tổ chức tư vấn đào tạo và thu tiền của người lao động nhưng không tổ chức đưa người lao động của tỉnh đi xuất khẩu lao động như đã thỏa thuận; đơn phương chấm dứt hoạt động và người đại diện theo pháp luật trốn khỏi địa bàn đăng ký hoạt động, chiếm đoạt số lượng tiền lớn của người lao động.

Theo ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay trên địa bàn tỉnh có Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang là đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai thực hiện các mặt công tác liên quan xuất khẩu lao động; đồng thời các phòng lao động -  thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố là đơn vị được giao phối hợp tuyển chọn, đào tạo, giới thiệu lao động của địa phương tham gia các chương trình liên quan xuất khẩu lao động. 

Do đó, người lao động trên địa bàn tỉnh khi có nhu cầu đăng ký tham gia các chương trình xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc đang được triển khai tại Hậu Giang với hình thức lao động hợp đồng dài hạn hoặc thời vụ. Có thể liên hệ trực tiếp với UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc phòng lao động -  thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố để được tư vấn, hướng dẫn các thông tin cụ thể liên quan đến công tác xuất khẩu lao động hoặc liên hệ trực tiếp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục theo đúng quy định.

Theo Công an tỉnh, điều kiện xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc với các dạng visa hiện nay, như sau:

Diện Visa E7, là loại visa yêu cầu người lao động phải có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên ngành có liên quan đến công việc tuyển dụng, chứng chỉ nghề có liên quan, kinh nghiệm làm việc tại các ngành nghề tuyển dụng;

Diện Visa E8, là loại visa chỉ được thực hiện thông qua chương trình hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam ký kết với các địa phương của Hàn Quốc, các tổ chức, cá nhân khác không được phép thực hiện đối với diện visa này;

Diện Visa E9, là loại visa chỉ được thực hiện thông qua Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo Báo Hậu Giang