Đầm ấm, vui tươi
Gia đình ông Ka Rim (xã Vĩnh Trường, An Phú) những ngày này nhộn nhịp hẳn lên, những người con đi làm ăn xa ở Bình Dương, Long An, Cà Mau… đã kịp về nhà trước giờ giao thừa, tề tựu bên nhau trong những bữa cơm chiều cuối năm.
Là người Chăm nhưng mỗi dịp Tết đến - xuân về, khi người Kinh đón Tết cổ truyền thì gia đình ông Ka Rim cũng tổ chức đón Tết, đi thăm hỏi, tặng quà cho những người Kinh trong xóm; cùng nhau ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương; chuyện làng, chuyện xã, chuyện sản xuất trên đồng ruộng. Tết là dịp để gia đình ông đoàn tựu, sống những ngày đầm ấm, vui tươi.
“Gia đình tôi có 6 người. Vợ, chồng tôi lớn tuổi nên ở nhà làm ruộng và chăm sóc con cháu để chúng đi học, còn cha, mẹ các cháu đi làm ăn xa. Người Chăm, ngoài nghề làm ruộng, nuôi bò họ còn rất giỏi mua bán. Những ngành hàng được người Chăm quan tâm mua bán là vải, quần áo may sẵn, hàng điện máy, hàng gia dụng; bà con sống ở TP. Hồ Chí Minh thì kinh doanh nhà hàng, khách sạn; bán quần áo người Chăm để phục vụ khách du lịch đến từ các quốc gia Hồi giáo.
Tết Việt là dịp để gia đình đoàn tựu, quay quần bên nhau; tổng kết 1 năm sản xuất - kinh doanh. Vào những ngày này, chúng tôi thường tổ chức đi thăm hỏi chính quyền, bà con hàng xóm (là người Kinh) để thắt chặt tình làng nghĩa xóm…” - ông Ka Rim chia sẻ.
Đón Tết Việt năm nay, gia đình ông Ka Rim rất phấn khởi, bởi ruộng lúa nhà ông vừa thu hoạch và cho năng suất cao. Lúa trúng mùa, được giá nên có thu nhập cao. Bình quân mỗi công đất, ông lời 2 triệu đồng. Ngoài 1ha lúa đông xuân, mới đây vợ, chồng ông bán được cặp bò với giá 78.000.000 đồng. Tiền bán bò và bán lúa, ông đã dành một ít để mua gạo tặng những người nghèo trong xóm. Đây là việc làm thường xuyên của gia đình ông mỗi khi Tết đến - xuân về.
“Tôi làm như vậy là để giáo dục con cháu. Tôi thường nói với chúng rằng, sống trong đời sống cần nhau một tấm lòng. Sống trong xã hội phải biết nhìn xung quanh, xem ai khổ thì giúp đỡ. Có như vậy cuộc sống mới có ý nghĩa”- ông Ka Rim chia sẻ.
Thắt chặt tình làng nghĩa xóm
Không chỉ có làng Chăm ở xã Vĩnh Trường, mà các làng Chăm khác vào những ngày này nhộn nhịp hẳn lên. Các bến sông, ghe xuồng đậu chật bến. Đây là những người đi làm ăn xa, tề tựu về để đón Tết Việt.
“Cuộc sống mưu sinh, chúng tôi đã lên tận Bình Dương, Đồng Nai để buôn bán quần áo may sẵn cho công nhân ở các khu công nghiệp. Con tôi lên Tây Nguyên trồng cà-phê, hồ tiêu. Mỗi dịp Xuân về, nghe chim tu hú kêu, chim cu trên cây gáy nhớ quê chịu không nổi, nhanh chóng khăn gói về quê đón Tết. Đây là dịp thăm lại những người bạn Kinh trong xóm, ngày xưa cùng nhau đi học ở trường làng.
Tuy làm ăn xa nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc, hẹn nhau trong những ngày Tết Việt để ôn lại chuyện học hành ngày xưa, hỏi thăm nhau về cuộc sống, gia đình và là dịp cùng nhau bàn chuyện hợp tác trong kinh doanh” - anh Sô Lây Mal (xã Khánh Hòa, Châu Phú) chia sẻ.
Người Chăm trong tỉnh hiện có trên 15.000 người, sống ở 9 xóm Chăm trong tỉnh. Ngoài những người đi làm ăn, mua bán xa quê, những người còn lại ở địa phương sản xuất lúa, chăn nuôi bò và mua bán.
Cuộc sống hiện nay của đồng bào Chăm đã ấm no, hạnh phúc hơn xưa. Con cháu trong nhà được cắp sách đến trường. Những hộ sản xuất lúa hay làm ăn mua bán đều được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn, từ đó đời sống ngày càng phát triển.
“Người Chăm trong tỉnh luôn biết ơn Đảng và Nhà nước đã không ngừng chăm lo cho cuộc sống của bà con. Việc này đã làm tình đoàn kết các dân tộc ngày càng thêm gắn bó. Mỗi dịp Tết cổ truyền hoặc những ngày lễ quan trọng của người Chăm, chúng tôi luôn đón nhận tình cảm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể đến thăm, chúc Tết và tặng quà.
Ngược lại, mỗi khi Tết Việt, chúng tôi đã đến thăm, tặng quà và chúc Tết các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, xã, bà con hàng xóm… Từ đó, tinh thần đoàn kết giữa 2 dân tộc Kinh - Chăm gắn bó mật thiết, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt” - ông Jacky Trưởng ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo Chăm Islam An Giang chia sẻ.
“Chúng tôi thường nhắc nhở nhau, những ngày Xuân bên cạnh việc thăm hỏi, vui chơi giải trí… phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh trên lúa, trên rau để có cách phòng trị. Duy trì việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất giữa nông dân người Kinh và nông dân người Chăm để năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi ngày một nâng lên; cùng với người Kinh làm giàu một cách chính đáng, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới…” - ông Mách Sa Lế (xã Nhơn Hội, An Phú) chia sẻ. |
Ảnh: T.H - M.H
Các Thánh đường được trang trí đẹp mắt để đón Xuân
MINH HIỂN