Phó Chủ tịch UBND xã Long Điền A Võ Văn Tính cho biết: nghề mộc ở địa phương có từ hàng trăm năm nay. Các sản phẩm tại cơ sở sản xuất rất đa dạng và phong phú với nhiều mẫu mã, chủng loại theo yêu cầu, thị hiếu của khách hàng. Giá của từng loại sản phẩm từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy vào chất liệu gỗ cũng như độ tinh xảo, kích thước...
Tùy vào yêu cầu của khách hàng cũng như sự sáng tạo của những người thợ mà cho ra các sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, như: tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế, kệ, giường hộp cho đến các loại ban công, cầu thang lầu, bao lam, câu đối, các loại tượng, phù điêu, tranh gỗ... Ngoài ra, sản phẩm mộc chợ Thủ có chất lượng gỗ tốt, độ bền cao, đẹp theo thời gian nên tạo được uy tín rất cao với khách hàng. Nhiều sản phẩm của LN được tiêu thụ đi khắp mọi miền đất nước và cả nước bạn Campuchia.
Để cho ra đời một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, như: xẻ gỗ, cắt theo quy cách, bào láng, vẽ, chạm, lắp ráp, sơn, gắn khóa… Từ việc lựa chọn gỗ, sơ chế gỗ, đục thô đến các công đoạn tạo hình, chạm khắc tinh xảo… tất cả đều cần đến sự dày công làm việc với tinh thần tập trung cao nhất của những người thợ lành nghề.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Nguyễn Văn Tấn (ngụ ấp Thị 2, thị trấn Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang), làm việc tại một cơ sở mộc thuộc ấp Long Thuận 2, xã Long Điền A cho biết: thông thường mất khoảng vài ngày đối với những sản phẩm có mẫu sẵn như: tủ, bàn, giường… nhưng có khi mất vài tháng đối với những sản phẩm điêu khắc có kích thước lớn và độ khó cao. Việc chạm khắc từng chi tiết cho tác phẩm được xem là công đoạn khó khăn nhất và tốn nhiều thời gian nhất. Công việc này đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì, sáng tạo, khéo léo và tỉ mỉ đến từng chi tiết…
“Ngày nay, máy móc phục vụ đắc lực cho người thợ mộc, tuy nhiên có những công đoạn vẫn phải làm bằng chính đôi bàn tay của người thợ thì sản phẩm mới hoàn hảo, sắc sảo, sáng đẹp được” - ông Tấn chia sẻ.
Các sản phẩm được các cơ sở sản xuất và bán quanh năm nhưng hút hàng nhất là vào dịp đầu năm và cận Tết nguyên đán. Khi đó, gia đình nào cũng muốn mua sắm nội thất để đón Tết thật sung túc. Chị Nguyễn Thị Liễu, chủ cơ sở mộc Đông Trường (ấp Long Thuận 2) cho biết: để phục vụ thị trường Tết, cơ sở của chị đã phải chuẩn bị nguyên liệu từ tháng 5, tháng 6 (âm lịch). Hiện tại, cơ sở của chị phải hoạt động hết công suất, thậm chí tăng ca vào ban đêm để kịp giao hàng cho khách.
Đến với cơ sở mộc Minh Tú (ấp Long Thuận 2), do chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết làm chủ, chúng tôi bị cuốn hút bởi sự đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã sản phẩm từ bàn, ghế, tủ, giường cho đến những tác phẩm tượng gỗ, với đường nét chạm khắc tinh xảo. Giá thành của các sản phẩm nơi đây có giá trị từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, tùy theo sản phẩm.
“Những ngày cận Tết, các sản phẩm mộc tiêu thụ mạnh, các thợ phải làm việc rất khẩn trương để kịp giao hàng cho khách. Nhưng không vì thế mà chúng tôi xem nhẹ chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Bởi mỗi sản phẩm đẹp, chất lượng không những đảm bảo uy tín cho cơ sở mà còn góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu LN mộc truyền thống nơi đây” - chị Ánh Tuyết chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND xã Long Điền A Võ Văn Tính cho biết: hiện nay, ngoài các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, các chủ cơ sở không ngừng thay đổi cách làm, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để làm ra sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, LN mộc chợ Thủ có trên 1.000 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 2.500 lao động trong và ngoài xã, với thu nhập ổn định bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, góp phần tạo việc làm, giữ gìn và phát huy LN truyền thống tại địa phương.
Người thợ điêu khắc gỗ
Các sản phẩm mộc Chợ Thủ đắt hàng vào dịp cận Tết
Bài, ảnh: TRUNG HIẾU