Làng nghề nhộn nhịp vào xuân

20/01/2025 - 15:36

Khi những cơn gió se lạnh pha nắng ấm của mùa xuân đang tưới tắm quê hương thì cũng là lúc các làng nghề truyền thống (LNTT) trên địa bàn tỉnh tất bật, nhộn nhịp sản xuất để phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết. Trải qua nhiều thăng trầm, các LNTT lâu đời của tỉnh vẫn luôn chứa đựng hồn cốt của quê hương với những sản phẩm chất lượng mang hình ảnh của Bạc Liêu đi khắp mọi miền.

Bánh tráng làm thủ công vẫn thu hút thực khách bởi vị thơm ngon đặc trưng.

Nhộn nhịp làng nghề bánh tráng

Những ngày cuối năm, dọc theo các tuyến đường quê dẫn vào ấp Thống Nhất (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân), làng bánh tráng đón chào khách phương xa với những phên bánh tráng được xếp ngay ngắn, phủ kín sân nhà các hộ dân. Tháng Chạp, không khí lao động của bà con làng nghề bánh tráng trở nên nhộn nhịp và khẩn trương hơn. Ghé thăm lò làm bánh tráng của bà Trần Ngọc Du (ấp Thống Nhất), bà cho biết tờ mờ sáng là lò bánh đã đỏ lửa để kịp giao bánh cho khách dịp Tết. Vừa múc bột đổ lên tấm vải, tráng một lớp mỏng rồi đậy nắp lại, bà Du vừa chia sẻ: “Tiếp nối truyền thống làm bánh tráng thủ công của gia đình, sau khi lập gia đình, tôi tiếp tục lưu giữ nghề này đến nay đã hơn 50 năm. Đối với tôi, chiếc bánh tráng được làm thủ công chứa đựng hương vị đặc trưng, chính vì vậy dù nhiều hộ cùng nghề đã đầu tư máy đánh bột, máy tráng bánh nhưng tôi vẫn thích làm thủ công để bánh được đẹp và ngon hơn”. Bà Du chia sẻ, để có được bánh tráng ngon, tròn, mỏng, không bở, và cho nhiều bánh, mà trong nghề gọi là lời bánh, thì phải biết chọn gạo thích hợp và pha bột đúng liều lượng. Đặc biệt là rất cần sự khéo tay của người đổ bột phải lắc thật đều tay để bánh tròn, đẹp, không chỗ dày chỗ mỏng.

Ghé thăm cơ sở làm bánh tráng Phạm Minh Chính cách đó không xa, nhiều lao động trán lấm tấm mồ hôi, liên tục lấy phên bánh mới ra phơi và thu phên bánh cũ đã khô. Mùa xuân đang ngấp nghé ở những làng nghề bánh tráng dường như cũng làm lòng người phấn khởi, thêm hăng say lao động.

Công đoạn đập búa để rèn dao tại lò rèn Tư Hây (ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa). Ảnh: T.N

Nghề rèn chạy đua đón Tết

Chúng tôi ghé thăm xóm lò rèn trứ danh ở ấp Thống Nhất, đường làng, ngõ xóm tràn ngập âm thanh của tiếng máy đập, tiếng búa, tiếng đe khua đều. Những ngày cận Tết, những lò rèn nơi đây càng thêm hối hả để sản xuất đủ đơn hàng giao cho khách. Bỏ dở công đoạn đang làm để đón chúng tôi tham quan lò rèn, anh Quách Văn Nguyên - chủ lò rèn Tư Hây, bộc bạch: “Tôi là thế hệ thứ tư trong gia đình tiếp nối nghề rèn, từ nhỏ tôi đã lớn lên cùng tiếng đe, tiếng búa của cha ông. Chính vì vậy, dù trải qua bao thăng trầm của nghề, dù nghề rèn có nhọc nhằn nhưng tôi vẫn quyết giữ nghề và kiếm sống bằng nghề này. Bởi tôi rất tự hào khi dao Ngan Dừa nổi tiếng và được sử dụng ở nhiều nơi”.

Để làm ra một con dao thủ công, người thợ rèn phải mất gần nửa ngày, từ lúc cắt miếng thép ra nướng đỏ, quai búa bẹt mỏng thành hình, sau đó đến khâu làm nguội, chỉnh sửa, mài cho đến chuẩn mới thôi. Vì vậy, nghề rèn thủ công khó tính được thời gian, năng suất. Thế nên, hiện nay nhiều lò rèn đã áp dụng máy móc vào nhiều công đoạn để đẩy nhanh tiến độ và cho ra năng suất cao hơn. Tuy vậy, chất lượng dao Ngan Dừa vẫn luôn làm hài lòng nhiều người bởi độ sắc bén và độ bền. Với đôi bàn tay nhem nhuốc, chai sần nhưng khéo léo, người thợ lành nghề chỉ cần miết nhẹ ngón tay vào con dao, thậm chí nhìn là biết đã đủ độ sắc bén hay chưa.

Không ai còn nhớ chính xác các LNTT tại Bạc Liêu có từ khi nào, nhưng hàng chục năm qua, các LNTT trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Hồng Dân nói riêng đã tồn tại và phát triển gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của nơi đây. Bằng tình yêu nghề, nhiều gia đình vẫn đang nỗ lực giữ lửa cho nghề truyền thống của gia đình, góp phần gìn giữ và đưa thương hiệu của quê hương ngày càng vươn xa. Một mùa xuân nữa lại về, người dân ở các làng nghề thêm phấn khởi mong chờ một năm mới may mắn, thành công.

Theo Báo Bạc Liêu