Làng "vỗ béo" lươn đồng, mỗi hộ kiếm vài chục triệu 1 đợt nuôi

14/05/2019 - 13:52

Ông Nguyễn Văn Pho - thường gọi là ông Sáu Pho - được xem là người đầu tiên thực hiện mô hình nuôi lươn đồng ở ấp Thạnh Phú 2.

Giá bán lươn từ 175-200 ngàn đồng/kg

“Từ nguồn lươn giống trong thiên nhiên, các nông hộ mua về thả nuôi trong bồn xi măng, có lớp đất làm nơi trú ẩn cho lươn. Thức ăn hằng ngày chủ yếu cũng từ các loại cua, ốc, cá vụn được bà con trong vùng bán lại. Vì thế, lươn thành phẩm đạt chất lượng không thua gì lươn đồng rặt...", ông Sáu Pho cho hay.

Ông Trần Văn Tổng (giữa) giới thiệu mô hình nuôi lươn của gia đình. Ảnh: MỸ TÚ

Theo ông Sáu Pho, so với một số cây trồng, vật nuôi khác, con lươn đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Để đảm bảo đầu ra, ông giữ mối liên hệ với nhiều thương lái, bất kỳ khi nào tổ viên có lươn xuất bán, a lô là thương lái tới cân ngay.

Trước đây, ông Sáu Pho được người quen, bạn bè ở An Giang giới thiệu rồi hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn. Áp dụng tại nhà một thời gian, thấy mô hình phát huy hiệu quả kinh tế, ông Sáu Pho mở rộng quy mô nuôi lươn từ 3 bồn, diện tích hơn 100m2 lên 8 bồn với diện tích khoảng 300m2.

Ông Sáu Pho cũng sẵn sàng hướng dẫn kinh nghiệm nuôi lươn đồng cho nhiều hộ dân xung quanh, phát triển thành Tổ Hợp tác nuôi lươn từ năm 2016.

Ông Ông Văn Nghiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hưng cho biết: “Tổ Hợp tác nuôi lươn có 14 thành viên được thành lập sau khi bế giảng lớp dạy nghề nuôi lươn đồng theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tổ chức. Qua 3 năm duy trì, phát triển, cả tổ hiện có khoảng 70 bồn nuôi lươn đồng với diện tích mặt nước tăng lên đáng kể. Đầu ra cho lươn thịt ổn định với giá bán thường xuyên ở mức khá cao, mô hình nuôi lươn đồng thực sự mang lại hiệu quả tạo việc làm tại chỗ và phát triển kinh tế cho các nông hộ”.

Với 5 bồn nuôi lươn, diện tích khoảng 130m2, ông Trần Văn Tổng, thành viên của Tổ hợp tác phấn khởi cho biết, ông vừa xuất bán 1 bồn lươn 210kg với giá 200.000 đồng/kg lươn loại 1 và 175.000 đồng/kg lươn loại 2.

Nghề nuôi lươn đồng tạo nhiều việc làm

Ông Trần Văn Tổng chia sẻ: “Hồi trước, chỗ nuôi lươn này chỉ để thả gà, không đem lại thu nhập bao nhiêu. Từ hồi áp dụng mô hình nuôi lươn, thu nhập khá”. Với 5 bồn nuôi đã được xây bê tông kiên cố, trang bị hệ thống máy bơm, ống dẫn nước đầy đủ, vợ chồng ông Tổng dễ dàng chăm sóc lươn.

Ưu điểm nhẹ công chăm sóc, giá cả bán ra ổn định nên mô hình nuôi lươn đang được nhiều nông hộ khác ở ấp Thạnh Phú 2 quan tâm. Cũng áp dụng mô hình này, em ông Tổng ở cạnh bên nhà đầu tư bồn nuôi với diện tích trên 200m2, đem lại thu nhập ổn định.

Sở hữu 8 bồn nuôi lươn với diện tích khá lớn nhưng vợ chồng ông Sáu Pho cũng tự chăm sóc chu đáo cho mỗi lứa lươn từ khi thả đến đủ ngày xuất bán. Ông Sáu cho biết: “Chỉ cần có người đi bắt cá, cua, ốc làm mồi cho lươn và phụ giúp bắt lươn vào ngày thu hoạch, tất cả các khâu còn lại vợ chồng tôi đều có thể tự làm hết. Mỗi người phụ giúp thu hoạch lươn được trả tiền công 200.000 đồng/ngày...".

Theo ông Sáu Pho, những lao động chuyên bắt cua, ốc, cá bán làm thức ăn cho lươn cũng kiếm thu nhập rất ổn định. Chưa kể lực lượng lao động chuyên săn bắt lươn đồng loại nhỏ, bán lại cho các nông hộ làm lươn giống. Các hộ nuôi lươn thường nuôi xoay vòng, có lươn xuất bán đều đặn trong năm, góp phần tạo việc làm cho lao động tại chỗ thường xuyên hơn.

Theo ông Ông Văn Nghiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hưng, để hỗ trợ phát triển Tổ hợp tác nuôi lươn, Hội tranh thủ được nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và chương trình cho vay Giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Đến nay, các thành viên trong tổ đang vay trên 300 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Theo Báo Cần Thơ