Được trùng tu nhiều lần, nay Lăng Ông khang trang hơn.
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH
Tục truyền, khi thuyền Chúa Nguyễn (Nguyễn Ánh) bị lâm nạn ngoài khơi cửa sông Soài Rạp, có 2 cá Ông bơi cặp thuyền đưa vào Vàm Láng bình an, đã được Chúa Nguyễn ban sắc phong cá Ông chức Nam Hải Đại Tướng. Kể từ đó, tại Vàm Láng thành lập Hội Phụng cúng do dân chài tổ chức để cúng Ông hằng năm. Đến năm 1852, triều đình Nhà Nguyễn lại có sắc phong Đông Nam sát Hải Nhị Đại Tướng Quân Chi Thần Nguyễn. Sắc thần trước đây để tại đình Kiểng Phước, vì Vàm Láng xưa kia là một làng chài thuộc “Cảnh Phước thôn”, tức xã Kiểng Phước ngày nay; hiện sắc thần được đưa về lưu giữ tại Lăng Ông.
Trước đây, mỗi năm tổ chức Lễ hội Nghinh Ông (lễ cầu ngư) vào ngày 15 và 16 tháng 6 (âm lịch), nhưng từ sau năm 1975 được tổ chức vào ngày mùng 9 và mùng 10 tháng 3 (âm lịch), thu hút đông đảo ngư dân, nhân dân địa phuơng và khách thập phương đến tham quan, cúng bái.
Khởi đầu lễ cầu ngư là nghi thức nghinh Ông. Hàng trăm ghe tàu đánh cá trang trí cờ, hoa đồng loạt kéo ra khơi đón Thần Nam Hải. Theo tín ngưỡng của ngư dân, khi thấy cá Ông phun nước vọt lên thì làm lễ thỉnh Ông về (đây là nghi thức đón vong hồn các ngư dân bị tai nạn nghề nghiệp); vô bến, ngư dân tiếp tục nghi thức rước Ông và các vong hồn bị chết sông, chết biển về lăng. Tại đây có các nhà sư tụng kinh cầu siêu cho các vong hồn bị nạn. Sau đó, Hội Phụng cúng tổ chức cúng tế Thần Nam Hải, tế Tiền hiền, Hậu hiền.
Trong ngày cầu ngư, ngư dân còn tổ chức rước Thần Thành Hoàng, Bạch Mã Thái Giám, Nữ thần Thiên Y A na Diễn Ngọc phi… thờ ở đình, miếu về dự lễ hội ở Lăng Ông.
Nghe thông tin từ huyện, sắp tới đây, một số tập tục, tín ngưỡng nghệ thuật trình diễn dân gian của Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải ở Vàm Láng sẽ được cơ quan chức năng xem xét, công nhận là sản phẩm phi vật thể do bà con trong vùng Gò Công sáng tạo. Rất mong các cơ quan chức năng hướng dẫn thủ tục, hồ sơ để xã thực hiện, trình duyệt…
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HOÀNG TIẾN
Tục thờ cúng cá Ông đã có từ thời nhà Nguyễn. Lúc bấy giờ cá Ông được thờ ở miếu. Năm 1920 Lăng Ông Nam Hải được ngư dân đóng góp tài lực, vật lực xây cất; năm 1965 được trùng tu xây dựng theo kiến trúc “đình làng Nam bộ” gồm 1 chính điện, 1 dãy nhà ngang (nhà khối), 1 vỏ ca và sân, hàng rào. Vỏ ca và chính điện cất theo kiểu tứ trụ, cột gỗ, mái lợp tôn, vách tường. Chính điện thờ cúng Ông, có qui, phụng, cũng là nơi để tro cốt cá Ông; hai bên tả, hữu có bàn thờ Ngũ hành, Bạch Mã, Tiền hiền, Hậu hiền, Tả ban, Hữu ban; đối diện là vỏ ca được xây cao, là nơi dùng để hát cúng Ông; bên ngoài có long, lân; phía sau chính điện dùng để vật dụng. Đến năm 2012, Lăng Ông tiếp tục được trùng tu, mái lăng được lợp ngói, xây tường, nền lát gạch men; năm 2014 xây thêm hàng rào bê tông phía trước, nhà nấu ăn, lợp mái che cập bên phải lăng để tiếp khách khi tổ chức lễ cúng Ông.
Về phần hội, tổ chức văn nghệ (trong đó có rước đoàn hát bội, các nghệ sĩ nổi danh ở TP. Hồ Chí Minh về phục vụ) và nhiều trò chơi dân gian. Về phần lễ, hàng trăm ghe tàu đi theo đoàn ra biển nghinh Ông, cúng Ông, có lực lượng Bộ đội Biên phòng và Công an địa phương đảm trách công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy…
Lăng Ông Nam Hải thị trấn Vàm Láng được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định 09, ngày 15-2-2000 của UBND tỉnh Tiền Giang.
CHUẨN BỊ CHU ĐÁO
Cũng như mọi năm, tất cả các chủ phương tiện đánh bắt của thị trấn Vàm Láng và các xã lân cận đang mong chờ đến ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch) để ra biển nghinh Ông và đến Lăng Ông dâng lễ vật cúng bái, cầu mong hành nghề đánh bắt thủy sản đạt sản lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các chủ phương tiện đáy sông cầu, ghe te, ghe rập hàng và bà con trong vùng cũng đang náo nức được tháp tùng theo, mang trái cây, hoa tươi, gà, vịt, heo quay… dâng cúng, tham gia các trò chơi dân gian và thưởng thức các chương trình văn nghệ cho đến hết mùng 10…
Các thành viên Hội Phúng cúng Lăng Ông Nam Hải Vàm Láng trước chánh điện Lăng Ông.
Dù còn hơn 1 tháng mới đến ngày lễ hội năm 2022, nhưng chúng tôi đã chứng kiến các chú, các bác lớn tuổi trong Hội Phúng cúng Lăng Ông đang lo quét dọn vệ sinh, trang trí trong và ngoài lăng để mọi thứ sạch sẽ, tươm tất. Chú Hà Thành (tên thường gọi là chú Ba Xuân), Hội trưởng Hội Phúng cúng Lăng Ông cho biết, chú làm trong Hội Phúng cúng Lăng Ông đã hơn 20 năm, với 8 thành viên đã cao tuổi. Hằng năm, các chú trong hội lo trang hoàng lại Lăng Ông. Đến ngày cúng, có trên 20 người đến phụ hội. Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 chỉ tổ chức lễ, không tổ chức hội. “Năm nay chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cho bà con ra biển nghinh Ông, cầu mong ngư dân làm ăn được khá hơn…” - chú Hà Thành cho biết.
Theo chú Trần Văn Hồng, người dân tại khu phố Lăng 1, thị trấn Vàm Láng, người dân trong vùng có người làm nghề biển, có người làm các nghề khác, nhưng bất kỳ làm nghề gì kiếm sống, hễ đến ngày Lễ hội Nghinh Ông đều lập bàn thờ cúng Ông tại nhà, ai có gì cúng nấy (trái cây, hoa tươi, gà, vịt, heo…) cầu an, mong ra khơi “thuận buồm xuôi gió” trúng đậm cá tôm...
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vàm Láng Nguyễn Hoàng Tiến cho biết, trước khi tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải, UBND xã tiến hành họp các thành viên, lập nhiều tổ phụ trách các phần việc lễ, phần việc hội, đón tiếp khách, phụ trách an ninh trật tự…, mọi thứ đều chuẩn bị chu đáo, bài bản. Năm ngoái, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức ra biển nghinh Ông. Năm nay, bà con và các chú, các bác trong Hội Phụng cúng Lăng kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép bà con được ra biển nghinh Ông; và UBND xã cũng đã đề xuất lên cấp trên…
Theo LÝ OANH (Báo Ấp Bắc)