Lễ tống gió vùng Gò Công

13/11/2018 - 08:46

Trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của người dân vùng Gò Công, người ta thường tổ chức lễ tống gió (hay còn gọi là tống phong, tống ôn) trong các dịp cúng đình làng. Lễ tống gió thực chất là lễ cầu an cho gia đình, làng xóm, với mục đích tống khứ những gì xui rủi trong năm cũ và đón nhận những điều tốt lành trong năm mới.

Dân gian vùng Gò Công có câu:

“Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc bằng gió Gò Công”.

Theo cách hiểu dân gian, tống có nghĩa là tiễn đi, xua đi; còn gió ở đây là gió độc gây bệnh cho người, mà dân Gò Công thường hay nói từ “trúng gió”, nên lễ này gọi là “lễ tống gió”. 

Ở Gò Công, vào thời khai hoang lập ấp, người dân thường trú ngụ ở các ngã sông, do đó xóm làng, chợ búa, ngôi đình, trường học… thường mọc lên ở ven sông, gần rạch.

Điều kiện sống khó khăn, ao tù nước đọng, côn trùng, thú dữ, dịch bệnh lây truyền từ người này sang người khác dẫn đến trận ôn dịch có thể gây chết chóc cho con người.

Người dân cho rằng, những bệnh tật đó là do ma quỷ, do những người “khuất mặt khuất mày” gây ra, nên làm lễ cúng các vị ấy để mong gia đình, làng xóm có cuộc sống bình an, và lễ tống gió đã ra đời.

Vào dịp cúng Kỳ yên, ban khánh tiết của đình sẽ cho làm chiếc thuyền và chuẩn bị vật phẩm để cúng thần. Trước khi hành lễ, người ta đem tất cả các vật phẩm đến đình để làm lễ ra mắt thần và cũng như để cho thần chứng giám.

Thông thường, người ta đặt chiếc thuyền gió ngay gian chính điện, mặt hướng ra sân. Chiếc thuyền này được làm rất công phu từ vài ngày trước, đáy thuyền là bốn khúc chuối to kết lại như một chiếc bè, trên đó có khung thuyền làm bằng tre, xung quanh thân thuyền được dán giấy màu đủ loại để tạo sự kín đáo, cũng như làm đẹp thêm cho chiếc thuyền.

Thuyền tống gió có chiều cao khoảng 1,5 m, ngang 0,5 m và dài 2,5 m. Trên thuyền còn có hình nhân được làm bằng đất, với tư thế đang chèo thuyền, xung quanh thuyền có treo một hàng quần áo cắt bằng giấy, ngụ ý dành cho những người nghèo ở cõi âm.

Bên hông thuyền có ghi ngày tháng năm bằng chữ Nho, xung quanh thuyền và trên thuyền có kết dây, trang trí hoa rất đẹp.

Đến giờ cúng, người ta khiêng thuyền tống gió xuống mé sông, đặt lên một chiếc ghe và chạy xuôi theo dòng nước, sau đó đặt lên thuyền một ít tiền lẻ, bánh, gạo, muối, thịt heo hoặc gà, vài lá bùa ghi lời cầu nguyện, rồi thả thuyền ra giữa dòng nước để nó đem theo những điều xui rủi, tai ương của làng xóm về một nơi vô định nào đó.

Thường những trẻ chăn trâu (mục đồng) sẽ đón hướng thuyền tống gió trôi qua, nhảy ùm xuống sông, lội ra thuyền tống gió, kéo vào bờ và an nhiên lấy vật phẩm chia nhau ăn, đẩy ghe bơi lội mà không sợ thánh thần “quở trách”.

Sở dĩ đám mục đồng dám lấy đồ cúng trên thuyền tống gió chia nhau ăn vì chúng được người lớn kể cho nghe chuyện được thần thánh “ân sủng” và có uy với thần thánh, chúng có thể lấy đồ cúng ở đình miếu để ăn mà không bị quở trách. Chuyện có thể do người lớn thêu dệt để cho những đứa trẻ chăn trâu vốn nhà nghèo ở giữ trâu mướn vui với công việc.

Ngày nay, lễ tống gió không còn phổ biến như xưa, nhưng dù sao nó cũng là một loại hình tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời của người dân vùng Gò Công, với mục đích hướng tới cuộc bình an và hạnh phúc cho gia đình và làng xóm.

Theo Báo Ấp Bắc