Cách làm mới, nguồn lợi mới
Anh Khang và thành quả sau 7 tháng nuôi cá bớp.
Lênh đênh ngoài khơi vùng biển Tây Nam, các cụm làng bè nằm rải dọc quanh các đảo nhỏ và ẩn gió bên trong vịnh nên biển lặng, xanh trong. Mặc ngày đêm gió biển ầm ào ngoài khơi, các chủ bè cá ở vùng biển phương Nam luôn biết cách di chuyển làng bè theo mùa gió, tránh bão giông theo mùa Nam hay mùa gió chướng.
Kề cận vùng biển Cà Mau và các hòn đảo nhỏ, tỉnh Kiên Giang có diện tích ngư trường rộng lớn với hơn 63.000km2 và gần 200km bờ biển nên tạo nhiều thuận lợi không chỉ cho ngành nghề khai thác hải sản và cho thấy tiềm năng lớn mở ra cho nghề nuôi trồng thủy sản.
Nghề nuôi cá bè trên biển ở ven bờ và quanh các quần đảo Phú Quốc, Nam Du, tỉnh Kiên Giang, hình thành cách đây khoảng hơn mười năm. Ban đầu thịnh nhất là nuôi cá bớp (cá bốp), cá mú. Lợi nhuận khấm khá, hấp dẫn nhất là khi giá cá bán chợ và xuất khẩu tăng lên cao, một phần do nguồn lợi cá tự nhiên khai thác ngày càng giảm xuống. Dần dà nghề nuôi cá bớp trong bè trên biển được người dân chọn nuôi nhiều nhất so với các loại khác như: cá bống mú, bống sao, cá chim trắng… Đến nay, nghề nuôi cá bè trên biển ở Kiên Giang ước có gần 3.000 lồng bè, sản lượng khoảng 1.400 tấn/năm.
Điểm mạnh giúp cho nghề nuôi cá biển phát triển chính là từ khi một số loài cá đã làm chủ được công nghệ sinh sản giống nhân tạo. Không phụ thuộc vào con giống tự nhiên, con giống dễ mua, giá giảm. Trong khi thị trường cá thương phẩm tươi sống chào bán vào các nhà hàng hải sản nội địa giá thường cao hơn từ 30-40% so với cá đánh bắt ướp đá xuất khẩu. Vào lúc cao điểm thị trường nội địa và xuất khẩu tiêu thụ mạnh, cá bớp nuôi sau 7-8 tháng có thể đạt 7-8 kg/con, được giá trên 210.000 đồng/kg. Dân kinh doanh hải sản còn cho biết, do cá bớp nuôi cho thịt ngon và có độ béo hơn nên giá thường cao hơn 10.000 đồng/kg cá cùng loại đánh bắt ngoài tự nhiên. Bên cạnh có các loại cá khác như cá mú, cá chim trắng… duy trì nguồn cung, số lượng ổn định nên giữ mức giá bán tại bè trên mức 150.000-160.000 đồng/kg tùy theo trọng lượng cá lớn nhỏ. Song, thị trường cá nuôi bè luôn chịu sự chi phối và tác động mạnh mỗi khi sức hút hàng xuất khẩu tăng cao.
Thách thức mới
Hòn Củ Tron, một trong những hòn đảo lớn thuộc quần đảo Nam Du, thuộc xã đảo An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang hiện tập trung nhiều bè nuôi cá biển. Thế nhưng hầu như không giống như các bè chuyên nuôi tôm hùm ở miền Trung. Anh Tưởng Xuân Khang, 45 tuổi, quê từ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình theo người anh về Nam Du đầu tư hơn 100 triệu đồng làm nhà bè với 7-8 vèo lưới nuôi cá biển. Hơn 7-8 năm qua anh Khang quen nghề, suốt ngày phơi nắng gió trên biển. Anh so sánh, biển Quảng Bình ở miền Trung có lợi điểm nước sâu xanh rờn, nhưng sóng lớn và lo sợ giông bão. Trong khi vùng Nam Du biển êm và lặng, ít khi sóng to gió lớn nên phù hợp neo đậu hay dịch chuyển nhà bè nuôi cá khi gió chuyển mùa.
Tuy nhiên, hiện thời còn có những tác động từ thị trường đầu vào như con giống, giá thức ăn lên xuống thất thường. Và đặc biệt khi đầu ra giảm giá hoặc xuất khẩu chậm lại… khiến cho làng bè nuôi cá biển gặp khó khăn.
Anh Khang cho rằng: Nuôi cá bớp 7-8 tháng mới đạt trọng lượng xuất bán cỡ 7-8 kg/con. Giá cá bớp giống nhân tạo chủ động nên dễ mua, nuôi ít hao hụt nhưng vào đầu tháng 7-2019 vừa qua, giá cá bớp bán tại bè chỉ còn 140.000 đồng/kg, giảm 60.000-70.000 đồng/kg so với cao điểm. Còn cá mú giống hiện phụ thuộc vào nguồn khai thác tự nhiên, cá giống 45.000 đồng/con nhưng lại khó nuôi, hao hụt cao tới 90%, nếu nuôi đạt bán khoảng 150.000-160.000 đồng/kg. Cá giống chim trắng 80.000 đồng/con, thời gian nuôi mất cả năm, thậm chí hơn 13-14 tháng mới đạt cỡ 2,5-3 kg/con, nhưng có lẽ vì ít và hiếm cá tươi sống nên cá chim hiện có giá cao nhất 250.000 đồng/kg.
Theo anh Khang, một bè nuôi cá biển với 7-8 vèo lưới tiêu tốn thức ăn khoảng 3 triệu đồng/ngày. Thức ăn của phần nhiều các loài cá biển chủ yếu là các loại cá con, cá tạp đánh bắt ngoài thiên nhiên. Đây là điểm khó và là trở ngại lớn nhất trong việc duy trì bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ.
Trước đây các loại cá con nhỏ như cá cơm ở vùng biển Kiên Giang bán về các nhà thùng làm nước mắm, nay sản lượng giảm trong khi nhu cầu của các làng bè nuôi cá biển ngày càng lớn. Lấy cá con tươi sống để nuôi cá biển sẽ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên đã được cảnh báo. Nghề nuôi cá biển sẽ khó phát triển bền vững nếu chưa chủ động chuyển hướng qua sử dụng nguồn thức ăn thủy sản chế biến sẵn. Hiện tại nghề nuôi cá bè trên biển lênh đênh như hình ảnh vốn có, trong khi ngư dân đánh cá vùng biển Tây Nam than dài nguồn lợi cá, tôm báo động đang trên đà suy giảm mạnh.
Theo Báo Cần Thơ