Liên kết hình thành chuỗi giá trị hàng hóa nông sản

25/02/2020 - 14:02

Thị trường tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đáp ứng yêu cầu này, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn TP Cần Thơ đã chủ động liên kết sản xuất, tạo nguồn hàng phong phú, chất lượng và truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân, từng bước hình thành chuỗi giá trị hàng hóa nông sản.

Chủ động ứng dụng tốt các giải pháp kỹ thuật trồng rau màu theo quy trình an toàn, đã giúp HTX rau an toàn Hòa Phát có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho thành viên. Hiện, toàn HTX có 10 hộ thành viên với trên 5,5ha đất chuyên canh tác rau muống, rau dền, mồng tơi, cải xanh, với năng lực cung ứng từ 3- 4 tấn rau/ngày cho các cửa hàng rau sạch và các chợ đầu mối trong và ngoài thành phố. Ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX rau an toàn Hòa Phát, quận Ô Môn, cho biết: “Đa phần, thành viên của HTX đều thông thạo các khâu làm đất để tránh vi khuẩn gây bệnh, cách trồng, chăm sóc, cách ly phân thuốc trước khi thu hoạch… Không những vậy, nhiều hộ trồng rau còn đầu tư, lắp đặt hệ thống phun mưa tự động cho vườn rau để gia tăng năng suất và chất lượng.

Liên kết sản xuất theo hướng an toàn để nâng cao giá trị thương phẩm cho rau an toàn và thu nhập cho nông dân được HTX rau an toàn Hòa Phát, quận Ô Môn tích cực triển khai.

Theo anh Nguyễn Văn Hiếu, xã viên HTX Hòa Phát, anh tốn tới 5 triệu đồng/công (1.000m2) để đầu tư hệ thống phun mưa tự động cho vườn rau và hiệu quả mang lại rất rõ. Đó là tránh được tình trạng rau ngã đổ hay dập úng, bởi lượng nước tưới từ hệ thống phun mưa khá đồng đều, giúp rau hấp thu dinh dưỡng tốt, hạn chế sâu bệnh, tiết giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất thu hoạch cũng cao hơn 50kg/công so với cách làm truyền thống… Anh Hiếu nói, rau muống là loại rau dễ trồng và dễ bán, được thương lái đến tận ruộng thu mua, với giá từ 5.000-8.000 đồng/kg, tùy thời điểm, ước tính với diện tích 3.000m2, trừ hết chi phí sản xuất, nông dân trồng rau muống sẽ lãi trên 200 triệu đồng/năm.

Nhờ xây dựng kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường, hoàn thiện hệ thống nhà lưới, đầu tư xây dựng nhà sơ chế đóng gói rau an toàn, không chỉ giúp HTX rau an toàn Long Tuyền, quận Bình Thủy xây dựng thành công chuỗi thực phẩm an toàn, mà còn gia tăng giá trị cho rau an toàn và thu nhập của thành viên. Theo Ban Giám đốc HTX rau an toàn Long Tuyền, hầu hết nông dân trong HTX đều có kỹ thuật sản xuất tốt, biết luân canh cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường “mùa nào cây đó”. Cùng với đó, ở các vụ sản xuất, HTX còn nghiên cứu thị trường đối với từng loại rau màu và yêu cầu thành viên đăng ký diện tích canh tác, cam kết sản xuất theo quy trình HTX đề ra. Điều này, không chỉ giúp HTX tránh tình trạng sản xuất cung vượt cầu, mà còn tạo nguồn hàng phong phú, cung cấp đa dạng chủng loại rau ăn lá, rau ăn trái cho các chợ đầu mối, bếp ăn tập thể… Ngoài ra, HTX còn đầu tư thêm thiết bị phục vụ nhu cầu sơ chế đóng gói tại chỗ, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Hiện, HTX rau an toàn Long Tuyền có hơn 6ha diện tích chuyên trồng rau màu các loại, trong đó có 8.000m2 được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra.

Sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, giúp nông dân tham gia HTX không còn lo về đầu ra, yên tâm sản xuất, để gia tăng chất lượng nông sản và tăng thu nhập. Ông Hà Văn Thống, Phó Giám đốc HTX nông sản xanh Cần Thơ, quận Ninh Kiều, cho biết: Bình quân, mỗi ngày HTX cung ứng cho các đối tác và các cửa hàng rau sạch trên địa bàn thành phố khoảng 1 tấn rau củ, quả các loại. Do đó, để có được sản lượng ổn định và đảm bảo chất lượng, HTX đã liên kết các hộ trồng rau ăn lá, rau ăn trái trên địa bàn quận Thốt Nốt, phát triển 3 nhà lưới với diện tích hơn 2.000m2. Theo đó, từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch, nông dân phải cam kết làm theo quy trình GAP và HTX sẽ cung cấp toàn bộ giống, vật tư đầu vào kể cả bao tiêu đầu ra với giá cao hơn giá thị trường 20%. Theo ông Thống, hầu hết các loại rau màu, trái cây được đưa lên quầy kệ của HTX nông sản xanh Cần Thơ tại đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều đều được kiểm soát từ sản xuất đến tiêu thụ, có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Liên kết sản xuất nông sản an toàn theo quy trình và tiêu chuẩn nông dân không lo đầu ra, nhưng chí phí đầu tư khá lớn nên cần có những mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và HTX. Do vậy, các HTX cần phát huy năng lực nội tại, sản xuất theo nhu cầu thị trường, đa dạng hóa nguồn hàng rau củ, quả an toàn, xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng, có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Về phía doanh nghiệp cũng như các đơn vị thu mua cũng nên quan tâm đến yếu tố hài hòa lợi ích của người sản xuất, thực hiện tốt các khâu cung ứng dịch vụ đầu vào bao tiêu đẩu ra ổn định cho HTX... Từ đó, sẽ tăng giá trị cho rau an toàn, cải thiện đời sống nông dân tham gia HTX, góp phần gắn sản xuất với tiêu thụ, hình thành các chuỗi giá trị hàng hóa nông sản trên địa bàn thành phố. 

Theo M.HOA (Báo Cần Thơ)