Tăng giá trị sản xuất nhờ liên kết
Nhiều năm qua, sản xuất nông nghiệp với quy mô manh mún, nhỏ lẻ trên địa bàn TP. Sóc Trăng đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Sản phẩm của nông dân chưa được liên kết với doanh nghiệp nên xảy ra tình trạng bị ép giá, tình hình thu mua không ổn định; chi phí đầu tư cao, khiến nhiều hộ không thể chủ động trong tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Minh Hải ở Phường 8 có thu nhập ổn định từ việc tham gia liên kết trồng rau sạch.
Trước những khó khăn đó, trong những năm gần đây, Phòng Kinh tế TP. Sóc Trăng đã tham mưu UBND TP. Sóc Trăng tích cực hỗ trợ các phường, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong liên kết tiêu thụ nông sản và xây dựng liên kết nông sản an toàn như: liên kết trong sản xuất lúa, rau an toàn… Tính từ năm 2016 đến nay, Phòng Kinh tế thành phố đã tham mưu UBND thành phố tổ chức giới thiệu và tạo điều kiện cho hơn 80 lượt công ty, doanh nghiệp thực hiện liên kết cung ứng vật tư đầu vào như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… và thu mua sản phẩm của nông dân. Ngoài ra, Phòng Kinh tế thành phố cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp ký kết đưa hàng vào siêu thị, trung tâm thương mại và bếp ăn của các trường học.
Đối với cây lúa, trong năm 2018, có 5 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, đại lý thực hiện liên kết tiêu thụ với tổng diện tích 1.033ha/7.623ha, chiếm 13,55% diện tích gieo trồng của thành phố, tăng 749ha so với năm 2017. Hình thức liên kết cũng đa dạng như: cung cấp giống, vật tư đầu vào hoặc từ tập huấn kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm đầu ra. Tùy loại giống lúa mà giá bao tiêu sản phẩm khác nhau đã giúp bà con nông dân giảm chi phí về giống (từ 200kg/ha giảm còn 120kg/ha), phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngoài ra giá thu mua cao hơn so với thị trường từ 50 đồng/kg đến 100 đồng/kg. Lợi nhuận cao hơn so với không liên kết từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/ha.
Ông Dương Văn Trung - chủ Đại lý Lúa giống Kim Loan ở TP. Sóc Trăng cho biết: “Trên cơ sở nắm được nhu cầu của doanh nghiệp thu mua lúa mà tôi giới thiệu và cung ứng lúa giống phù hợp cho bà con nông dân. Khi nông dân sử dụng giống lúa tại đại lý của tôi cung ứng, đến cuối vụ tôi giới thiệu doanh nghiệp đến thỏa thuận giá cả, nếu thấy phù hợp thì nông dân bán hoặc không vừa ý tôi sẽ giới thiệu doanh nghiệp hoặc thương lái khác”. Theo ông Trung, đại lý của ông cung ứng lúa giống xác nhận nên đảm bảo chất lượng, nông dân sẽ được giảm chi phí đầu tư; đồng thời cũng được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình sản xuất một cách bài bản.
Đối với rau màu, Phòng Kinh tế thành phố cũng xây dựng được liên kết tiêu thụ rau sạch với Công ty TNHH Beloved Farm và một số hộ dân tại Phường 8, sản lượng trung bình từ 70kg đến 90kg/ngày, giá thu mua cao hơn so với giá thị trường hơn 3 lần. Mô hình này đã đem lại sự phấn khởi cho những nông dân khi tham gia liên kết. Ông Nguyễn Minh Hải ở Phường 8 chia sẻ: “Trồng rau màu trong nhà lưới đang là sự lựa chọn của nhiều nông dân. Tôi cũng không ngoại lệ, vì mô hình này áp dụng các biện pháp sản xuất sạch, giảm chi phí đầu tư và được giới thiệu cho doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, nên thu nhập ổn định hơn”.
Việc cung ứng lúa giống chất lượng cao từ đại lý của ông Dương Văn Trung giúp nông dân có “đầu ra” dễ dàng hơn.
Cần thay đổi tư duy về cách thức sản xuất
Mặc dù thời gian qua đạt được những kết quả tích cực trong liên kết tiêu thụ nông sản nhưng hiện nay công tác xây dựng liên kết nông sản trên địa bàn TP. Sóc Trăng còn gặp một số khó khăn nhất định do việc sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn thành phố còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, đa phần sản xuất với quy mô nông hộ nên chưa liên kết chặt chẽ và chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến nông sản. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ nông sản thay đổi theo từng vụ, sự hợp tác giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp chưa có sự đồng thuận, tiếng nói chung.
Theo Trưởng Phòng Kinh tế TP. Sóc Trăng Huỳnh Hoài Nam, đa số các công ty, doanh nghiệp thực hiện liên kết hiện nay đều mong muốn tham gia thực hiện mô hình cung cấp sản phẩm nông sản an toàn nhằm đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để có thể xây dựng được mô hình liên kết này, nông dân cần phải thay đổi tư duy, nhận thức về cách thức sản xuất; đồng thời ngành nông nghiệp cần chú trọng xây dựng mô hình kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, sơ chế đến tiêu thụ.
Vấn đề hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không chỉ giải quyết đầu ra ổn định của nông sản mà còn góp phần tăng sức sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh cũng như nâng cao chất lượng nông sản. Do đó, trong năm 2019, phòng kinh tế tiếp tục tăng cường giới thiệu doanh nghiệp thực hiện liên kết cung ứng vật tư đầu vào và thu mua sản phẩm nhằm mở rộng diện tích có hợp đồng liên kết tiêu thụ.
Đồng chí Huỳnh Hoài Nam cho biết thêm, phòng kinh tế sẽ tiếp tục xây dựng và mở rộng vùng lúa thơm, lúa đặc sản, phấn đấu đạt 40% tổng diện tích gieo trồng. Nâng diện tích sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời thông qua Dự án “Phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp bằng tem điện tử” sẽ xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm rau của thành phố. Với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp, trong năm 2019, phòng kinh tế cũng đã tham mưu UBND thành phố tiếp tục thực hiện một số mô hình liên kết sản xuất như: liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa đặc sản ST; mô hình vùng rau an toàn VietGAP; trồng hoa đồng tiền cắt cành…
Liên kết trong sản xuất là xu thế của nhiều nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn TP. Sóc Trăng còn nhỏ lẻ, sản xuất phần lớn còn theo kiểu truyền thống thì sự hợp tác, liên kết càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Theo Báo Sóc Trăng