Đề nghị các địa phương chủ động gieo sạ vụ Đông Xuân 2021 - 2022, bảo đảm kế hoạch đề ra, góp phần cho vụ mùa thắng lợi
Theo đó, các địa phương phải linh hoạt kế hoạch xuống giống lúa Đông Xuân 2021 - 2022, thích ứng với diễn biến nguồn nước theo khung lịch thời vụ gieo sạ chung của tỉnh. Đối với các huyện vùng Đồng Tháp Mười cần tập trung vận động nông dân bơm nước để đẩy nhanh tiến độ gieo sạ dứt điểm lúa Đông Xuân 2021 - 2022 trong tháng 12/2021.
Đối với các huyện phía Nam: Các vùng không đủ nguồn nước tưới khuyến cáo nông dân không gieo sạ lúa Đông Xuân 2021 - 2022, chuyển sang các cây trồng ngắn ngày, cây trồng sử dụng ít nước tưới và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới cho cây trồng.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tiếp tục vận động nông dân tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, cánh đồng lớn; tổ chức triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm giá thành sản xuất lúa, thông qua các hình thức sau: sử dụng cân đối NPK, tránh bón thừa đạm, sử dụng phân bón tiết kiệm, nên giảm phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, giảm lượng giống gieo sạ, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hồi rơm, rạ tái sử dụng.
Đồng thời, khuyến cáo nông dân giảm tỷ lệ gieo sạ giống nếp xuống dưới 35% để tránh tình trạng cung vượt cầu, trong đó ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao nằm trong nhóm giống chủ lực xuất khẩu như Jasmine 85, nhóm giống ST, Nàng hoa 9, VD 20, Đài thơm 8 và một số giống OM,…/.
Theo LÊ NGỌC (Báo Long An)