1. Nghề dệt chiếu ở huyện Tân Trụ xuất hiện chính xác từ khi nào không ai nhớ rõ, tuy nhiên, nhiều thế hệ người dân sinh ra và lớn lên ở khu vực xã An Nhựt Tân (nay là xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) đã biết đến nghề trồng lác, dệt chiếu. Nghề vẫn được duy trì cho đến nay, dù giảm nhiều so với thời gian trước.
Đi dọc theo Đường tỉnh 832, khu vực gần khu Di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, không khó để thấy hình ảnh người dân bó lác thành bó, phơi dọc 2 bên lề đường. Những cánh đồng lác xanh thấp thoáng phía xa, gần khu vực bờ sông và sau những ruộng lúa vàng, vườn cây ăn trái. Nghề trồng lác vẫn được người dân trong vùng gìn giữ. Với vài người, trồng lác vẫn là công việc mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình.
Lác bán cho thương lái phải được chẻ nhỏ, phơi khô và phân loại sẵn
Dưới cái nắng gay gắt giữa trưa, sau khi bán xong 3 bó lác thành phẩm cho thương lái, ông Võ Văn Tùng (ấp 3, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) nói vợ về nhà nấu cơm trưa, còn ông nán lại để trở số lác đang phơi ngoài sân. Số lác này, vợ chồng ông cắt hôm trước, đã chẻ, phân loại và bó thành từng bó nhỏ trước khi đem phơi. Tranh thủ lúc “đặng nắng”, ông trở lác thường xuyên để sợi lác khô nhanh, đều. “Làm nghề này phải trông thời tiết. Được nắng tốt như vầy thì tầm 1 tuần là bán được 3 bó lớn, thu khoảng 3 triệu đồng. Nghề này thu nhập không nhiều nhưng vợ chồng cùng nhau làm thì có nguồn thu nhập ổn định. Với tôi vậy là đủ!” - ông Tùng chia sẻ.
Cha mẹ ông Tùng ngày xưa cũng sống bằng nghề trồng lác nên mười mấy tuổi, ông đã nối nghiệp gia đình. Dù có đất trồng lúa nhưng ông vẫn thuê thêm đất trồng lác như một cách duy trì nguồn thu nhập. Những cánh đồng lác góp phần giúp ông nuôi lớn các con và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do công việc vất vả nên các con ông không ai theo nghề.
Vợ chồng ông Tùng hiện canh tác khoảng 1,5ha lác, chủ yếu là đất thuê. Mỗi ngày, ông bà thức dậy từ 3 giờ, người tranh thủ dệt chiếu, người thắp đèn đi cắt lác ở ruộng gần nhà. Sau đó là vô số việc: Phân loại, chẻ lác, phơi lác, bó thành bó và tiếp tục cắt lác cho ngày hôm sau,...
2. Người trồng lác tại huyện Tân Trụ hiện còn trên 20 hộ với diện tích trên 21ha, tập trung chủ yếu ở ấp 2, 3, 4, 6, xã Tân Bình. Con số này đã giảm khoảng 50% so với thời điểm năm 2002 do lao động trẻ ít người chọn theo nghề, một công việc vừa vất vả, thu nhập lại có phần hạn chế.
Anh Bé Ba (ấp 2, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) kể, nếu không phải vì thiếu người chăm sóc mẹ già thì anh cũng chưa có ý định bỏ công việc đang làm để về quê trồng lác như hiện tại. Trước đây, anh làm công nhân, vợ ở nhà cùng mẹ chồng trông coi ruộng lác 5.000m2 của gia đình và chăm sóc con nhỏ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sức khỏe mẹ anh ngày một yếu, anh xin nghỉ việc, về quê cùng vợ thuê thêm đất trồng lác để có thời gian chăm sóc gia đình. Công việc có phần vất vả hơn trước đây nhưng vừa có thu nhập ổn định, vừa có thời gian gần gũi, chăm sóc mẹ già, đỡ đần cho vợ, dạy bảo con thơ.
Trồng lác chủ yếu dùng sức người trong hầu hết các công đoạn
Nghề trồng lác chủ yếu lấy công làm lời, bởi hầu hết các khâu từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch,... đều sử dụng sức người nên vất vả. Giá lác trên thị trường hiện tại khoảng từ 11.000-17.000 đồng/kg, tùy thuộc vào chất lượng lác. Với mức giá đó, mỗi nhân công làm nghề trồng lác như vợ chồng ông Tùng hay anh Bé Ba có thể kiếm được khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Nghề trồng lác, dệt chiếu ngày nay dù không còn hoàng kim như thuở trước nhưng vẫn được người dân bền bỉ giữ gìn. Dù vất vả, khó khăn, ít có nhiều cơ hội cạnh tranh nhưng cây lác vẫn có thể nuôi sống được những người dành tâm sức cho nghề./.
Theo MỘC CHÂU (Báo Long An)