Long An: Hiệu quả từ mô hình Nuôi thỏ giống và thương phẩm

28/08/2023 - 09:52

Thỏ dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, chi phí thấp, phù hợp với lao động lớn tuổi. Vì thế, mô hình Nuôi thỏ giống và thương phẩm được nhiều gia đình chọn lựa và mang lại thu nhập ổn định.

Gia đình bà Phạm Thị Xuân Mai (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng) có thu nhập ổn định từ nuôi thỏ giống và thương phẩm

Trên 15 năm gắn bó với nuôi thỏ, vợ chồng ông Nguyễn Văn Phụng và bà Phạm Thị Xuân Mai (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) hiểu rất rõ tập tính, thói quen của thỏ, từ đó, ông Phụng chủ động cân đối thức ăn cho thỏ trong từng giai đoạn sinh trưởng.

Ông Phụng chia sẻ: “Hiện gia đình có gần 50 con thỏ nái, 10 con thỏ đực, trên 100 con thỏ thương phẩm. Bình quân mỗi tháng, gần 50 thỏ nái sinh sản 100 thỏ con. Thỏ con nuôi trên 4 tháng, đạt trọng lượng từ 2,2-2,4kg là xuất bán với giá trên 65.000 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí, vợ chồng tôi có lợi nhuận gần 10 triệu đồng/tháng từ việc bán thỏ giống và thỏ thương phẩm”.

Vợ chồng ông Phụng tận dụng đất trống quanh nhà trồng cỏ làm thức ăn cho thỏ. Ngoài cho ăn cỏ, vợ chồng ông Phụng còn bổ sung thức ăn công nghiệp, chú ý đến nguồn dinh dưỡng trong từng loại cỏ để có cách cân bằng nguồn thức ăn. Cụ thể, đối với những loại cỏ chứa nhiều chất đạm, ông Phụng sẽ bổ sung thức ăn công nghiệp ít đạm và ngược lại. Khi tách thỏ con khỏi thỏ mẹ, ông bà tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, thắp đèn giữ ấm cho thỏ con.

Để thỏ nái sinh sản tốt, người nuôi cần cho thỏ nái nghỉ ngơi khoảng 15 ngày, sau đó tiếp tục phối giống. Bà Mai cho biết: “Thỏ nái đẻ lứa đầu tiên từ 3-4 con, càng về sau đẻ càng nhiều. Người nuôi cần cho thỏ nái nghỉ ngơi sau thời gian đẻ để phục hồi sức khỏe. Trường hợp phối giống liên tục thì thỏ nái đẻ con không chất lượng, khó nuôi và dễ chết”.

Vợ chồng ông Phụng học tập mô hình Nuôi thỏ giống và thương phẩm ở huyện Đức Huệ trong một lần tham quan các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở các địa phương. Sau đó, ông bà bàn bạc với nhau đóng chuồng nuôi, tận dụng đất xung quanh nhà trồng cỏ làm thức ăn cho thỏ. Ban đầu, vợ chồng ông Phụng nuôi thử nghiệm 5 con thỏ, sau đó mở rộng chuồng và tăng đàn.

Khi việc nuôi thỏ ổn định, vợ chồng ông có ý định thu mua thỏ thương phẩm của các hộ nuôi xung quanh để bán lại cho thương lái nhưng lại thiếu vốn. Được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Hưng tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, vợ chồng ông hiện thực hóa ý định.

Ông Phụng kể: “Vay được 50 triệu đồng, tôi thu mua thỏ thương phẩm, thức ăn công nghiệp. Hiện tôi thu mua thỏ thương phẩm của trên 10 hộ nuôi. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nhà hàng hoặc người dân có nhu cầu thì tôi vẫn bán. Gia đình tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng về thỏ thương phẩm nhưng không dám nhận vì chủ yếu người nuôi nhỏ, lẻ nên không đủ cung cấp cho lượng khách hàng lớn”.

Nhờ cần cù, chịu khó và được tiếp sức từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, vợ chồng ông Phụng có nguồn thu nhập ổn định từ việc nuôi thỏ giống, thỏ thịt và thu mua thỏ thương phẩm. Qua đó, chất lượng cuộc sống của gia đình ngày càng nâng lên, nhất là tự chủ được nguồn thu nhập khi tuổi đã xế chiều./.

Theo LÊ NGỌC (Báo Long An)