Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, sau gần 3 năm thực hiện Đề án, việc sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh bước đầu thu được những kết quả khả quan. Hiện toàn tỉnh có khoảng 13.500ha rau, sản lượng 221 nghìn tấn/năm, trong đó 92 ha được chứng nhận VietGAP. Long An cơ bản hình thành vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao với 10 hợp tác xã và 30 tổ hợp tác trong vùng Đề án, trong đó 4 hợp tác xã đã làm điểm để triển khai nhân rộng trên địa bàn các huyện, thị xã và hiện đang có khoảng 1.500 ha đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau (đạt 72% kế hoạch của Đề án).
Theo đánh giá Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, nông dân sản xuất trong các mô hình ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả, lợi nhuận cao hơn trồng rau truyền thống 2-7 triệu đồng/1.000m2/vụ. Trong đó, việc sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng giúp cây rau phát triển tốt hơn, sâu bệnh ít hơn, giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động…
Hiện nay, việc triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau được người dân đồng tình ủng hộ, người dân tự nhân rộng trên 500 ha, nhất là tại vùng trồng rau truyền thống của tỉnh ở Cần Đước, Cần Giuộc vì người dân nơi đây đã có nhiều cải tiến về giống, sử dụng phân hữu cơ, cách chăm sóc, làm nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, đặc biệt thực hiện khâu an toàn thực phẩm...
Xã Long Khê, huyện Cần Đước là một trong những địa phương đầu tiên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau. Ngoài sự hướng dẫn của ngành chuyên môn, nông dân tự tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học - kỹ thuật, quy trình an toàn vào sản xuất, đồng thời tự chế nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nước tiết kiệm nhằm bảo đảm chất lượng, vừa phù hợp với túi tiền người dân nơi đây.
Dưới đây là hình ảnh sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao ở Long Khê, Cần Đước:
Xã Long Khê, huyện Cần Đước là một trong những địa phương đầu tiên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn
Bên cạnh việc mở rộng diện tích gieo trồng, người dân đã từng bước xây dựng các vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao thu nhập
Tại Long Khê, ngoài sự hướng dẫn của ngành chuyên môn, nông dân tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt người nông dân đã chủ động
nhân giống cây phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng của địa phương
Bên cạnh yêu cầu về giống, người dân đã ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất như san phẳng mặt bằng đồng ruộng bằng tia laser
Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống cảm biến điều khiển ánh sáng, độ ẩm, công nghệ tưới phun mưa, phun sương, theo nhu cầu dinh dưỡng của cây…
Đặc biệt, người dân còn tìm tòi, học hỏi ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc tưới nước cho diện tích rau nhằm đảm bảo rau phát triển tốt và tiện lợi, phù hợp với túi tiền người dân
Chị Lê Thị Thúy Hồng ở Ấp 4, xã Long Khê, Cần Đước tưới nước cho diện tích 3000m2 của gia đình bằng điều khiển hệ thống bằng tay. Hệ thống này, cho phép khoảng cách 200m là điều khiển được hệ thống tưới nước tự động
Cô Lê Thị Tầm ở Ấp 4, xã Long Khê ứng dụng công nghệ 4.0 để tưới nước cho diện tích rau của gia đình bằng thiết biết bị di động. Với cú pháp cài đặt sẵn, ở bất kỳ địa điểm nào có thể điều khiển hệ thống tưới nước cho rau
Qua đánh giá, so với trồng rau truyền thống, mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao ít sâu, bệnh hơn vì vậy số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể
Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao người nông dân tiết kiệm chi phí từ 1,5-2 triệu đồng/1.000m2/vụ, lợi nhuận cao hơn 2-3 triệu đồng /1.000m2/vụ, đạt 70 triệu đồng/1.000m2/năm
Sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao ở Long An bước đầu đạt kết quả, người sản xuất đã nắm bắt các quy trình sản xuất an toàn từ đó từng bước đưa sản phẩm rau an toàn của Long An tiêu thụ trên thị trường
Theo PHẠM CƯỜNG (Đảng Cộng Sản Việt Nam)