Long An: Hợp tác xã nông nghiệp mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản

04/01/2022 - 10:27

Trong khi nhà nông phải “đau đầu” vì gần 100 tấn nông sản tồn đọng mỗi tuần trong đợt cao điểm dịch bệnh, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã thu mua trên 20 tấn/ngày, là HTX thu mua quy mô lớn nhất tỉnh.

Hết lo điệp khúc “được mùa - mất giá, được giá - thất mùa”

Những ngày đầu tháng 12/2021, nông dân Châu Văn Xuân (61 tuổi, ấp 4, xã Mỹ Thạnh) bận rộn tưới nước, vô phân cho ruộng mướp, khổ qua diện tích 2.000m2. Đợt thu hoạch mướp sắp xong, dự kiến đợt thu hoạch khổ qua sẽ trước Tết Nguyên đán. Năm nay, tiết trời thuận lợi, khổ qua, mướp đều phát triển tốt, cho năng suất tạm ổn.

Phân loại nông sản trong hợp tác xã

10 năm trước, ông Tư Xuân trồng lúa, diện tích nhỏ, giá lại bấp bênh nên không có dư. 4 năm trước, ông đi nhiều nơi học tập cách trồng hoa màu, sau đó lên liếp mảnh ruộng, chuyển sang trồng mướp, khổ qua. Vụ đầu tiên trúng mùa nhưng giá rẻ; ngược lại, đến các vụ sau, khi được giá thì lại thất mùa. Sau đó, ông tham gia HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh. Sau 3 năm làm thành viên, ông bảo rằng, từ khi đợt dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ năm ngoái, kéo dài sang năm nay, ông mới thấy quyết định của mình là sáng suốt. Bình quân, mướp từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch khoảng 40 ngày. Mỗi đợt thu hoạch, nếu thời tiết thuận lợi, ngày nào cũng hái khoảng vài trăm kilôgam. Do được HTX bao tiêu, ông bán được giá 7.000 đồng/kg mướp, bình quân một mùa, vườn cho năng suất khoảng 3,5 tấn/1.000m2, trừ chi phí, ông còn lợi nhuận khoảng 12 triệu đồng.

“Nếu bán ngoài chợ thì có thời điểm được 10.000 đồng/kg, còn lại đa phần đều thấp hơn, còn dịch bệnh như năm nay thì coi như… đổ bỏ” - ông nói.

Cách nhà ông Tư Xuân khoảng 1km, vườn bí đao 2.000m2 của ông Nguyễn Văn Đực (56 tuổi, ấp 4, xã Mỹ Thạnh) vừa thu hoạch dứt điểm, nhổ dây xong. Vụ này, với hơn 5 tấn bí, bán giá 5.500 đồng/kg, trừ chi phí, ông thu lợi nhuận hơn 10 triệu đồng. Trước đây, mỗi lần thu hoạch hoa màu, ông thường chở lên chợ phường 2 (TP.Tân An) để bán. Giá thị trường lên, xuống thất thường, thương lái thu mua “chê ỏng chê eo”, mỗi mùa thu hoạch đều phải... cực trần thân.

“Đợt dịch bùng phát mạnh hồi tháng 6, 7, thương lái không thu mua, một số nơi nông dân xót ruột vì rau, củ hư, phải lén đem ra chợ bán, nhiều người còn gọi tôi cầu cứu, nhờ xe  của HTX đến mua giúp” - ông Đực nhớ lại.

Ông Tư Xuân, ông Sáu Đực chỉ là 2 trong hơn 30 thành viên tham gia HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh. Ngoài diện tích vùng nguyên liệu sẵn có 20ha, HTX này còn đang liên kết với 20 nông hộ trong vùng, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu lên 50ha.

“Muốn đi nhanh, đi một mình; muốn đi xa, đi cùng nhau”

Cách nhà ông Sáu Đực 1km, kho tập kết nông sản của HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh những ngày này tấp nập cảnh nông dân chở nông sản bằng xe máy đến giao hàng.

Phía bên trong, kho tập kết bày nhiều bầu, bí, mướp, khổ qua, dưa leo. Một nhóm công nhân nữ đang ngồi phân loại rau, quả, cho vào các túi nhựa, trong khi nhóm công nhân nam tranh thủ bốc dỡ các túi nông sản lên xe, giao đến khách hàng. Ngồi bên cạnh màn hình máy tính theo dõi các đơn hàng trên sàn giao dịch điện tử, Giám đốc HTX - Nguyễn Quốc Cường chia sẻ: Ông bà ta thường bảo “ăn chắc, mặc bền”, dù có công nghệ hiện đại hỗ trợ nhưng nhờ các mối quen, làm ăn uy tín lâu năm nên HTX đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Một trong những nông dân liên kết với hợp tác xã

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh thông tin, trong những tháng khó khăn của cao điểm đợt dịch Covid-19 thứ 4, toàn tỉnh có lúc tồn đọng gần 100 tấn nông sản mỗi tuần. Vậy mà, chỉ với 15 nhân viên, 3 xe tải, HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh “giải cứu” nông sản của nông dân có khi trên 20 tấn/ngày, là HTX thu mua quy mô lớn nhất toàn tỉnh.

“Hiện bình quân mỗi ngày, chúng tôi xuất đi trên 3 tấn nông sản cho các siêu thị ở TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Bến Tre” - ông Cường nói. Do dịch bệnh vẫn còn phức tạp, HTX chủ động mua các bộ kit xét nghiệm, định kỳ 5 ngày/lần, các công nhân sẽ được test nhanh để bảo đảm an toàn.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, việc xây dựng và phát triển kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là HTX tạo chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; tăng cường đầu tư của Nhà nước và xã hội, ứng dụng nhanh, hiệu quả khoa học - công nghệ tiên tiến cho KTTT, trong đó ưu tiên HTX nông nghiệp. Khuyến khích phát triển KTTT bền vững, nòng cốt là HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ; bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể tham gia,…

Test Covid-19 cho tài xế Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: Cùng với sức mạnh của doanh nghiệp, cần quan tâm đến KTTT và HTX. Các địa phương phải thực sự quan tâm đến sự phát triển của HTX, coi đó là một phần không thể tách rời của kinh tế nông thôn. Việc đầu tư cho nông nghiệp sẽ không thành công nếu không có HTX. Phát triển HTX sẽ tạo ra sức mạnh đa chiều trong hợp tác và liên kết, bảo tồn giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường ở nông thôn, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nông nghiệp.

“Có thể HTX không mang lại nhiều về tăng trưởng cho địa phương và ngân sách nhà nước, nhất là HTX trong khu vực nông nghiệp nhưng nó chính là nền tảng cho sự liên kết, hợp tác, chia sẻ trong chuỗi ngành hàng. HTX chính là nơi để huy động sức mạnh cộng đồng, nông dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo ra một sức mạnh đa chiều hơn. Sự kết nối tạo ra sự bền vững hơn” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh./.

Toàn tỉnh có 277 HTX với tổng vốn điều lệ 377 tỉ đồng. Trong đó, có 215 HTX nông nghiệp, 62 HTX phi nông nghiệp. Số lượng HTX đang hoạt động là 247 HTX, ngừng hoạt động 30 HTX. Nhìn chung, các HTX đều hoạt động theo quy định của Luật HTX năm 2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP về tỷ lệ cung ứng sản phẩm và về góp vốn hoạt động của HTX. Các HTX từng bước thực hiện cung ứng sản phẩm theo quy định của Luật HTX năm 2012, bảo đảm dịch vụ cung ứng cho thành viên và 100% thành viên sử dụng các dịch vụ của HTX.

Theo NGUYỆT NHI (Báo Long An)