Theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại, những phong tục tết xưa ít nhiều bị mai một nhưng trong lòng mỗi người, nhất là thế hệ 7X, 8X vẫn hoài niệm tết xưa. Nắm bắt nhu cầu của khách hàng muốn tìm về những ngày tết quê thân thương để lưu giữ kỷ niệm, với kinh nghiệm chụp ảnh tết hơn 10 năm tại TP.HCM, Tạ Minh Thi sưu tầm, tái hiện những tiểu cảnh tết xưa của những thập niên 80, 90 tại phim trường Tí Nị. Đó có thể là hình ảnh phố lồng đèn lung linh, nét chữ thư pháp uốn lượn và nhiều sản phẩm được làm thủ công. Đó còn là hình ảnh một quán nước của thập niên 80 bên những cành hoa mai đang khoe sắc.
Có thể nói, từng chi tiết nhỏ trong các tiểu cảnh đều được Thi đầu tư công phu, kỹ lưỡng giúp nhiều người tìm lại được khoảnh khắc của những ngày tết xưa. Minh Thi chia sẻ: “Vào dịp tết, tôi thường nhận rất nhiều khách từ Long An lên TP.HCM chụp ảnh tết tại phố Ông Đồ, thấy vậy tôi mới quyết định về Long An mở phim trường Tí Nị để tái hiện tết quê ngay trên quê hương mình.
Thời gian đầu, tìm các vật trang trí của những thập niên 80, 90 rất khó, có những món đồ phải tìm hàng tháng mới được, cũng có những món đồ mua về còn mới, tôi phải nghĩ cách tái chế lại. Bình quân một tiểu cảnh tết quê, tôi đầu tư trên 15 triệu đồng. Khi nhìn các tiểu cảnh hoàn thành được khách hàng đón nhận, tôi rất vui!”.
Tết xưa vẫn luôn đọng lại trong tâm thức của những người đã sống trong khoảng thời gian đó. Nhắc đến tết xưa lại nhớ đến cảnh chợ tết rộn ràng bày bán mứt gừng, mứt bí, những chậu vạn thọ, cúc,... mang đến hơi thở của mùa xuân, là những ngày mẹ bận bịu xay bột, gói bánh, hái dừa làm mứt; cha tất bật lau dọn bàn thờ, trang hoàng nhà cửa,... Và những khung cảnh tết xưa giữa cuộc sống hiện đại như mang đến những phút giây hoài niệm và là nơi lưu giữ những khoảnh khắc bình yên.
Chị Nguyễn Thị Thúy Vy (thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ) bộc bạch: “Trong ký ức của tôi, tết xưa vui lắm! Các thành viên trong gia đình quây quần dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, gói bánh tét chuẩn bị đón giao thừa, ngày đầu năm sẽ cùng nhau chụp hình kỷ niệm. Còn ngày nay, nhiều người bị cuốn vào guồng quay của công việc, thời gian dành cho gia đình không nhiều. Nhằm giúp các thành viên gắn kết với nhau hơn, năm nào tôi cũng tổ chức cho gia đình chụp ảnh kỷ niệm và thường chọn chụp với không gian tết xưa. Đây cũng là cách giúp con, cháu tìm hiểu về các phong tục, tập quán đón tết của cha ông”.
Việc giữ gìn những giá trị tốt đẹp của ngày Tết Cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp các bạn trẻ hiểu thêm về những phong tục tốt đẹp. Và việc tái hiện khung cảnh tết xưa giúp mọi người tìm lại những giá trị xưa cũ để hiểu thêm về Tết Cổ truyền./.
Theo Báo Long An