Long An: Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững

02/03/2023 - 14:08

Sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho thành viên. Hình thức này bảo đảm cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung, cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hướng đi tất yếu

HTXNN đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành NN. Việc liên kết, hợp tác trong sản xuất là hướng đi tất yếu để phát triển nền NN hiện đại, bền vững. Thực tế cho thấy, các mô hình HTXNN được triển khai trong thời gian qua phù hợp và mang lại hiệu quả cao. Bởi, chỉ có liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị mới tạo ra khu sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu lớn và là cơ sở quan trọng để ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất.

Từ đó, tạo ra nguồn hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường, khắc phục những nhược điểm của mô hình kinh tế hộ gia đình là sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún, không bảo đảm quy trình kỹ thuật.

Tất cả sản phẩm của thành viên Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước) đều được hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn thị trường tại cùng thời điểm thu hoạch

Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân, số HTXNN được xây dựng mới ngày một tăng và tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất NN. Theo Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh Long An - Trần Hoài Bảo, hiện toàn tỉnh có 296 HTX, trong đó có 227 HTXNN. Các HTXNN bước đầu thực hiện được vai trò liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần chuyển dịch và cơ cấu lại kinh tế theo định hướng chung của tỉnh, nâng cao thu nhập cho các thành viên, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, bảo đảm an sinh xã hội.

Trước đây, gia đình anh Phan Văn Thà (ấp 3, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường) trồng 7-8ha lúa theo phương thức truyền thống. Mỗi năm, gia đình anh Thà trồng 2 vụ, năng suất đạt nhưng thường xuyên gặp điệp khúc “được mùa, mất giá”. Gần đây, anh chuyển 0,5ha sang trồng cây tắc. Anh Thà chia sẻ: “Qua các buổi tuyên truyền của Liên minh HTX tỉnh và địa phương, nhận thấy nhiều lợi ích khi tham gia vào HTX nên sắp tới tôi sẽ tham gia vào HTXNN Thạnh Trị. Bởi, đầu vào nông dân được giảm chi phí nhờ mua chung nguyên liệu, vật tư sản xuất;... đầu ra bảo đảm được chất lượng nông sản với quy trình sản xuất đồng bộ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”.

Liên kết sản xuất để tăng giá trị

Xác định liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các tổ hợp tác, HTX, hộ dân, cá thể, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện để phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm NN. Theo đó, tỉnh hỗ trợ nhiều HTX đầu tư xây dựng hạ tầng, phối hợp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ; hướng dẫn áp dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi;...

Để xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị phát triển bền vững, HTXNN Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp, qua đó giúp thành viên tiêu thụ sản phẩm. HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất với quy trình gần như khép kín từ giống, quy trình sản xuất, sản phẩm, sơ chế, đóng gói, vận chuyển đến nơi các đơn vị liên kết tiêu thụ.

Tham gia vào chuỗi liên kết mở ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác xã, người sản xuất trong việc tiếp cận thị trường

Giám đốc HTXNN Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường chia sẻ: “Thời gian qua, HTX ký hợp đồng liên kết với các HTX lân cận, tổ hợp tác của huyện Thạnh Hóa, Châu Thành và TP.Tân An để đáp ứng đủ hàng hóa, đa dạng sản phẩm khi thời tiết bất lợi. HTX có chính sách và tạo điều kiện cho nông dân như đầu tư giống, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhật ký đồng ruộng, tái đầu tư sản xuất; hỗ trợ thu mua nông sản của thành viên khi giá thị trường xuống thấp, không để thành viên lỗ vốn. Đồng thời, HTX quy hoạch trồng theo nhu cầu chuỗi và thị trường cao cấp để hạn chế hiện tượng ùn ứ sản phẩm như trước đây; phát triển vùng trồng không bị ảnh hưởng bởi nước mặn, triều cường, tránh hàng hóa bị khan hiếm làm đứt gãy chuỗi cung ứng”.

Hiện các sản phẩm của HTXNN Mỹ Thạnh có mặt trong nhiều siêu thị, cửa hàng tại TP.HCM, hệ thống Co.opmart các tỉnh miền Tây, Satra Food và các công ty chế biến rau, củ, quả trên các địa bàn lân cận. Sản phẩm của HTX cũng được đưa lên sàn thương mại điện tử Sen Đỏ tiêu thụ với doanh thu trên 60 triệu đồng/tháng và hoạt động tốt trên sàn PostMart.

Sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho thành viên

Năm 2022, HTX Dịch vụ NN Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) thu mua 917 tấn chanh tươi của thành viên và thành viên liên kết, trong đó có 342 tấn chanh xuất khẩu, 575 tấn chanh tươi tiêu thụ tại các chợ và vùng lân cận. HTX mua mỗi kilôgam chanh cao hơn giá thị trường 500 đồng. Điểm nổi bật trong sản xuất của HTX là có quy hoạch thiết kế đồng ruộng, xây dựng được mô hình lớn (13ha) để ứng dụng cơ giới hóa các khâu xịt thuốc bằng máy, vận chuyển chanh, tưới nước tự động. Ban Giám đốc HTX không ngừng tiếp cận thị trường xuất khẩu, mở ra cơ hội phát triển cho thành viên.

Đến nay, tỉnh có 33 chuỗi liên kết giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm NN. Trong đó, có 32 chuỗi trồng trọt (lúa 25 chuỗi với diện tích 1.425ha, rau 4 chuỗi với diện tích 24ha, chanh 3 chuỗi với diện tích 99ha) và 1 chuỗi cá tra giống, diện tích mặt nước 2.000m2. Số HTX tham gia chuỗi liên kết là 31.

Bên cạnh những kết quả đã đạt, quá trình thực hiện các phương thức kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản còn khó khăn do sản xuất nhỏ, lẻ. Một số sản phẩm chế biến từ nông sản chưa bảo đảm các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận, chất lượng nên chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nhà phân phối.

Nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy nông sản chủ lực của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” là những minh chứng khẳng định sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu giúp các HTXNN phát triển bền vững. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập của thành viên, phát triển KT-XH và quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương./.

Hiện HTX liên kết các công ty đầu vào cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như Công ty TNHH Con Cò Vàng, Tập đoàn An Nông, Trại giống Mỹ Lạc. Ngoài lợi nhuận từ HTX mang lại trực tiếp cho thành viên là 3,6 tỉ đồng (vật tư đầu vào thấp, giá bán đầu ra cao hơn giá thị trường địa phương tại thời điểm thu hoạch), còn có lãi từ dịch vụ phân bón cho thành viên HTX là 100 triệu đồng” - Giám đốc HTXNN Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí

Diện tích sản xuất của HTX hiện nay là 20ha, sản lượng 1.500 tấn/ năm. Trong đó, có 19,8ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tất cả sản phẩm các thành viên HTX đều đạt tiêu chuẩn và được HTX hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn thị trường 500-1.000 đồng/kg, tùy chủng loại tại cùng thời điểm thu hoạch. Ngoài ra, HTX còn liên kết với tổ hợp tác, HTX trong và ngoài xã để thu mua rau, quả của nông dân” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) - Kiều Anh Dũng

Theo Báo Long An