Long An nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp

09/04/2019 - 13:55

Sau 5 năm thực hiện Quyết định 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đã thu được nhiều kết quả khả quan.

\Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, thời gian qua, các lĩnh vực được tái cơ cấu có sự chuyển biến rất mạnh mẽ. Đối với lĩnh vực trồng trọt, nhiều nông dân đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh Long An đã có trên 23.500ha đất lúa chuyển sang trồng thanh long, chanh, rau màu các loại và nuôi thủy sản,... mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, định hướng đúng theo quy hoạch của tỉnh và lợi thế từng vùng.

Theo đó, hiện diện tích thanh long có 10.127ha, tăng 7.289ha so với năm 2013, lợi nhuận bình quân từ 200 triệu đến 400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp từ 8 đến 10 lần so với cây lúa; chanh có 9.056ha, tăng 4.339ha so với năm 2013, lợi nhuận bình quân từ 75 triệu đến 200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp từ 3 đến 8 lần so với cây lúa. Bên cạnh đó, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao như sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới,... cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay toàn tỉnh Long An có trên 13.549ha rau các loại, tăng 3.502ha so với năm 2013, lợi nhuận bình quân từ 10 triệu đến 20 triệu đồng/1.000m2/năm.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, tỉnh xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và thực hiện kế hoạch chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình có hiệu quả cao hơn nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, nâng cao giá trị sản xuất. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được quan tâm, ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, các cây trồng chuyển đổi như chanh, thanh long, rau màu các loại có diện tích, sản lượng tăng; công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản được chú trọng. Đồng thời, phát triển các mô hình kinh tế trang trại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao đời sống người dân, từ đó góp phần phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh.

Mô hình trồng thanh long theo công nghệ cao ở Long An.(Ảnh: K.V)

Ông Nguyễn Kinh Kha, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa cho hay, qua 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2014-2018 và định hướng đến năm 2020, nền nông nghiệp của huyện từng bước thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp hàng hóa theo hướng thị trường và thu nhập của nông dân.

Qua đánh giá của ngành chức năng tỉnh Long An, việc thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa bước đầu đạt kết quả rất khả quan. Nhiều cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập của người dân tăng đáng kể, nhất là trên cây chanh, thanh long, rau màu các loại. Có thể khẳng định, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là hướng đi đúng đắn và cho hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp ở Long An.

Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Long An được tập trung vào 3 lĩnh vực chính, đó là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, trong đó trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây trồng lúa, thanh long, rau và chăn nuôi bò thịt. Qua 5 năm thực hiện tái cơ cấu, năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của các nông sản chủ lực tăng, góp phần nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống của người dân nông thôn.

Hiện Long An đã cơ bản hình thành được 4 vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với những định hướng phát triển cụ thể, gồm có vùng phát triển lúa chất lượng cao sản xuất khẩu (tại các địa phương thuộc vùng Đồng Tháp Mười); vùng phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và đa dạng hóa cây trồng (tại huyện Đức Huệ và Thủ Thừa); vùng phát triển nông nghiệp ven đô với định hướng phát triển sản xuất là thanh long xuất khẩu, lúa nếp, lúa đặc sản, lúa giống, rau an toàn, nuôi thủy đặc sản, bò sữa, gà đất, gà thả vườn; vùng chịu ảnh hưởng nặng của công nghiệp hóa và đô thị hóa (giáp ranh TP.Hồ Chí Minh) với định hướng phát triển sản xuất là rau an toàn, lạc, ngô, bò sữa - bò thịt, trâu thịt, nuôi thủy sản.

Để tiếp tục thực hiện những mục tiêu đề ra trong sản xuất nông nghiệp, năm 2019, ngành nông nghiệp Long An tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, coi trọng chất lượng, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và kết nối chặt chẽ với thị trường tiêu thụ. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng 4 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao (vùng sản xuất lúa, vùng sản xuất rau, vùng sản xuất thanh long và vùng chăn nuôi bò thịt) nhằm tạo bước đột phá phát triển của tỉnh đến năm 2020. Tăng cường liên kết sản xuất, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo hướng liên kết “4 nhà” gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng toàn ngành trong năm 2019 đạt 1,5%.

Theo Đảng Cộng Sản Việt Nam