Tiến độ gieo sạ chậm
Mặc dù đã kết thúc lịch gieo sạ đợt 2 theo lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn nhưng đến nay, mực nước ở các huyện đầu nguồn như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, tỉnh Long An còn cao nên nhiều diện tích lúa chưa thể xuống giống được. Tại xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, thời điểm này năm trước, nông dân đã xuống giống cơ bản dứt điểm vụ ĐX nhưng năm nay, đến thời điểm này, toàn xã chỉ xuống giống được gần 1.000/3.090ha.
Anh Nguyễn Văn Phúc (ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại) nói: "So với trung bình hàng năm, vào thời điểm này, nông dân xuống giống lúa vụ ĐX được khoảng nửa tháng nhưng năm nay do nước lũ rút chậm nên hiện tại hơn 3ha đất của gia đình chưa thể xuống giống, mặc dù giống, thuốc, phân bón,... đã sẵn sàng". Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng cho biết: Theo kế hoạch, vụ lúa ĐX 2021 - 2022, huyện xuống giống 37.000ha. Đến thời điểm này, huyện chỉ xuống giống được gần 17.000ha, đạt 45% kế hoạch, chủ yếu ở các xã vùng cao và một số diện tích có đê bao. Nguyên nhân khiến việc xuống giống lúa ĐX 2021 - 2022 chậm so với tiến độ đề ra là do nước lũ rút chậm.
Nhiều diện tích đất nước lũ còn ngập sâu chưa thể xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022
“Mặc dù đã kết thúc đợt gieo sạ đợt 2 theo cơ quan chuyên môn huyện khuyến cáo nhưng đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện chỉ xuống giống được hơn 8.300/28.300ha, tập trung ở các xã vùng cao của huyện như Khánh Hưng, Hưng Điền A, Thái Bình Trung. Số diện tích còn lại hiện vẫn còn ngập sâu trong nước, nông dân không thể xuống giống được, ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ vụ lúa này” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm cho biết.
Vụ lúa Hè Thu có khả năng bị ảnh hưởng
Xuống giống trễ không những ảnh hưởng đến năng suất của vụ lúa ĐX do lúa trổ không trùng vào thời điểm tiết trời thuận lợi mà còn ảnh hưởng đến vụ lúa Hè Thu năm 2022 bởi nguy cơ hạn, mặn xâm nhập có thể xuất hiện. Anh Nguyễn Văn Bé (nông dân xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng) cho biết, hơn 2ha lúa của gia đình đến nay vẫn chưa xuống giống được vì nước còn ngập khá sâu, không thể bơm rút nước ra để sạ. “Nếu tình hình nước rút chậm như hiện nay, khoảng nửa tháng nữa mới có thể xuống giống” - anh Bé lo lắng.
Nông dân cần chủ động bơm rút nước ra để gieo sạ kịp thời vụ
Khoảng 1 tuần qua, lượng mưa tại chỗ nhiều kết hợp với triều cường nên nước lũ rút chậm, bình quân mỗi ngày đêm nước rút từ 2 - 3cm. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm, hiện số diện tích còn lại trên địa bàn mực nước trên ruộng còn khá nhiều, trung bình từ 30 - 80cm nên ảnh hưởng đến lịch gieo sạ khuyến cáo của ngành và tiến độ gieo sạ trễ như hiện nay có khả năng ảnh hưởng đến vụ lúa Hè Thu như thiếu nước vào đầu vụ, ảnh hưởng lũ vào cuối vụ.
“Số diện tích nằm trong hệ thống đê bao lửng, nông dân cần chủ động bơm rút nước gieo sạ sớm cho kịp thời vụ, gieo sạ theo lịch thời vụ ngành khuyến cáo, cày trục vệ sinh đồng ruộng và diệt chuột, ốc bươu vàng để hạn chế nguồn sâu, bệnh phát sinh và lây lan, tập trung gieo sạ đợt 3 từ ngày 13 đến 25/12/2021” - ông Huỳnh Văn Lâm khuyến cáo.
ĐX là vụ sản xuất chính trong năm, quyết định sản lượng lương thực của cả năm. Vì vậy, cần có sự tập trung chỉ đạo, điều hành kịp thời, sâu sát của địa phương và quyết tâm khắc phục khó khăn của nông dân để vụ ĐX 2021 - 2022 này đạt thắng lợi cũng như tạo thuận lợi cho những vụ mùa tiếp theo./.
Theo VĂN ĐÁT (Báo Long An)