Long An: Phấn đấu sản lượng lúa cả năm đạt trên 2,75 triệu tấn

04/07/2022 - 14:03

Trước những bất lợi do thời tiết và giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, nhiều nông dân đã không sản xuất lúa trong vụ Hè Thu (HT) 2022. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng lúa cả năm của tỉnh, do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An tập trung triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân tiết giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất lúa.

A A

Nông dân xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa thu hoạch lúa Hè Thu 2022

Diện tích gieo sạ giảm

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh gieo sạ gần 210.860ha lúa HT 2022, giảm hơn 7.000ha so cùng kỳ năm 2021; trong đó, đã thu hoạch 40.552ha, năng suất khô ước đạt 52,95 tạ/ha, sản lượng 214.723 tấn.

Nhiều nông dân cho biết, vụ lúa HT những năm trước chỉ lo thiếu nước và thời tiết nhưng vụ này còn lo thêm giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Ông Nguyễn Văn Lũy (xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) cho biết, mặc dù gia đình ông rất muốn sản xuất vụ lúa HT năm nay nhưng giá phân bón, thuốc trừ sâu, lúa giống,... đầu vụ đều đồng loạt tăng, các chi phí khác cũng tăng theo nên nếu sản xuất sẽ rất khó có lãi. Ông Lũy bộc bạch: “Gần 1 năm qua, chi phí đầu vào cho cây lúa cứ liên tục tăng, nhất là giá phân bón hiện ở mức hơn 1,2 triệu đồng/bao (tăng gần 3 lần so với đầu năm 2021), khiến nông dân lỗ nặng. Từ trước đến nay, năm nào gia đình tôi cũng sạ 3 vụ nhưng năm nay chỉ sạ 1 vụ Đông Xuân và xen 1 vụ màu vì chi phí đầu vào quá cao nhưng giá lúa lại không tăng”.

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đức Huệ, vụ HT này, toàn huyện xuống giống gần 15.500ha, giảm gần 3.200ha so cùng kỳ. Ông Lê Văn Bảy (xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) chia sẻ: “Vụ Đông Xuân vừa qua, gia đình tôi sản xuất không có lợi nhuận do giá chi phí đầu vào tăng cao. Vì vậy, gia đình tôi quyết định không gieo sạ ngay lúa HT mà theo dõi giá lúa, vật tư nông nghiệp một thời gian mới quyết định có sản xuất vụ này hay không”.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết, để hỗ trợ nông dân, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật. Trong đó, chú ý lượng giống gieo sạ từ 80-100kg/ha, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giai đoạn 40 ngày sau sạ. Khuyến cáo nông dân chuyển từ bón phân vô cơ sang hữu cơ hoặc vi sinh để cải tạo đất và giảm chi phí trong quá trình sản xuất. Đồng thời, vận động nông dân canh tác theo hướng an toàn và bền vững nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa.

Chủ động bảo vệ lúa

Hiện có 2 giống lúa được nông dân ưu tiên chọn gieo sạ trong vụ HT này là OM 5451 và OM 18. Ngoài ra, đa phần nông dân đều sử dụng giống lúa xác nhận để gieo sạ nên đây là tiền đề quan trọng trong việc hạn chế dịch hại xuất hiện, góp phần giúp nâng cao năng suất lúa khi thu hoạch. Ông Huỳnh Minh Châu (xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa), đang sản xuất 2,2ha lúa OM 18, cho biết: “Ưu điểm của giống lúa OM 18 là thời gian sinh trưởng ngắn nên phù hợp cho nông dân sản xuất thêm vụ lúa Thu Đông (lúa vụ 3) sau khi thu hoạch lúa HT. Bên cạnh đó, giống lúa này có khả năng kháng dịch hại cao, hạn chế đổ ngã nên thường cho năng suất cao”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin, ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp sản xuất vụ HT và Thu Đông nhằm bảo đảm đạt và vượt chỉ tiêu. Theo đó, vụ lúa HT năm nay, ngoài những giải pháp thủy lợi, tỉnh còn tăng cường vận động, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết hợp tác với các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, bao tiêu nông sản để tạo ra sản lượng lúa hàng hóa lớn, chất lượng cao, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và chế biến xuất khẩu.

 

Nông dân chăm sóc lúa Hè Thu

Nông dân chăm sóc lúa Hè Thu

Song song đó, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân gieo sạ theo lịch khuyến cáo; thực hiện gieo sạ tập trung, đồng loạt và né rầy theo từng vùng, từng cánh đồng. Ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường công tác dự tính, dự báo, phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp chặt chẽ địa phương bám sát đồng ruộng; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để cảnh báo kịp thời và hướng dẫn nông dân phòng, chống sinh vật gây hại; thực hiện tốt công tác dự báo tình hình thời tiết và chất lượng nước, nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng, củng cố hệ thống cống, đê ngăn triều cường phía Nam và đê bao lửng vùng Đồng Tháp Mười để bảo vệ và phát triển sản xuất.

“Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tế đồng ruộng để tăng năng suất, chất lượng lúa, giảm chi phí như quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, cơ giới hóa sản xuất,... Phấn đấu sản lượng lúa năm 2022 đạt trên 2,75 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao đạt trên 60% tổng sản lượng theo chỉ tiêu đã đề ra ngay từ đầu năm” - ông Truyền cho biết thêm./.

Theo Báo Long An