Long An: Phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường

14/12/2021 - 09:24

Phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, Long An cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, Long An rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Đổi mới tư duy, thay đổi phương thức sản xuất

Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi giúp Long An là một trong các địa phương vào tốp đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC). Được biết, cuối năm 2020, tỉnh đã hình thành được trên 22.000ha lúa, trên 2.000ha rau và 3.000ha thanh long ƯDCNC trong sản xuất; trên 7.100 con bò được gieo tinh giống bò ngoại chất lượng. Quan trọng hơn, thông qua chương trình này, nông dân đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận.

Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng (bìa trái) luôn quan tâm đến việc đổi mới tuy duy, thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất sạch, an toàn, thân thiện với môi trường(Ảnh tư liệu)

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh - Phan Văn Kiệt thông tin: “HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hậu Thạnh Tây là HTX điểm sản xuất nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh. Tại đây, HTX được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện tiếp cận rất nhiều chính sách, chương trình ưu đãi dành cho HTX và vùng lúa chất lượng cao ƯDCNC. Cụ thể, ngành Nông nghiệp phối hợp HTX tổ chức nhiều lớp tập huấn về chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” cho các thành viên HTX; hỗ trợ HTX xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, sản xuất theo mô hình VietGAP,...

Nhờ vậy, HTX dễ vận động nông dân tham gia vùng lúa chất lượng cao cũng như dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại theo hướng phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường. Kết quả đến nay, HTX có trên 1.300ha lúa hình thành vùng sản xuất lúa ƯDCNC”.

Nhiều năm qua, huyện Cần Giuộc chú trọng phát triển nông nghiệp ƯDCNC tập trung chủ yếu trên cây rau, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc, qua thời gian triển khai chương trình nông nghiệp ƯDCNC đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, nhân dân. Qua đó, giúp nông dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất chuyển từ nhỏ, lẻ sang liên kết, tập trung theo chuỗi giá trị, áp dụng cơ giới hóa, khoa học và công nghệ cao vào sản xuất, nhất là hướng đến sản xuất sạch, an toàn, thân thiện với môi trường.

HTX Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) là một trong những HTX tiên phong trong việc trồng rau ƯDCNC, trong đó chú trọng trồng rau theo hướng hữu cơ; đồng thời, liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện nay, HTX sản xuất 15ha rau đạt chuẩn VietGAP. Dù đạt nhiều kết quả trong hành trình đưa sản phẩm sạch đến người tiêu dùng nhưng HTX vẫn luôn chú trọng công tác nâng cao ý thức người dân trong việc tạo ra sản phẩm sạch.

Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng nói, năm 2021, HTX phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thực hiện mô hình ƯDCNC trên rau dền. Mô hình sử dụng chủ yếu phân bón hữu cơ, phân vi sinh, các chế phẩm sinh học, dịch trùn quế,... Sau thời gian thí điểm, rau dễ bán, dễ sơ chế, mẫu mã đẹp, giá bán cao hơn từ 500 - 1.000 đồng/kg so với ngoài mô hình. Khi thực hiện mô hình, thành viên HTX và nông dân có thể tham quan bất cứ lúc nào. Đây là một trong những biện pháp tuyên truyền giúp nông dân biết về lợi ích của việc sản xuất sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, góp phần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất.

Hiện nay, sản xuất sạch, hữu cơ đang là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp

Vẫn còn nhiều trăn trở

Để đạt nhiều kết quả trong phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường, thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX phát triển nông nghiệp theo hướng ƯDCNC. Cụ thể, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2021 - 2025, tỉnh chọn Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá nhằm đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giảm giá thành, nâng chất lượng và lượng hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh, sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây là một trong những thuận lợi giúp Long An tiến đến phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó có việc phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường. Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường - Võ Thanh Tòng chia sẻ: “Thời gian qua, Phòng Kinh tế tạo điều kiện cho nông dân thực hiện mô hình Trồng rau sạch bằng hệ thống thủy canh và nhà màng; đồng thời, UBND thị xã bố trí 2 sạp tại chợ thị xã Kiến Tường để nông dân bán rau sạch.

Tuy nhiên, các mô hình rau sạch duy trì không được bao lâu thì đều ngưng hoạt động. Nguyên nhân, một số người dân chưa phân biệt được rau sạch và rau chưa sạch mà chỉ đánh đồng về giá, trong khi đó rau trồng theo phương pháp thủy canh, nhà màng lại có giá hơn. Trước tình trạng này, nhiều nông dân từng được hỗ trợ trồng rau sạch đều bỏ cuộc”.

Giám đốc Hợp tác xã Kiến Bình - Dương Hoài Ân (bìa trái) khẳng định năng lực sản xuất gạo sạch, hữu cơ của hợp tác xã rất lớn nhưng chưa tìm được đầu ra ổn định

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Kiến Bình (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) chuyên sản xuất và kinh doanh các loại gạo hữu cơ như gạo tím Kiến Bình, Huyết rồng,... Tuy nhiên, thời gian qua, HTX vẫn chưa ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nên việc mở rộng sản xuất gặp khó khăn, trong khi đó năng lực sản xuất của HTX có thừa.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Kiến Bình - Dương Hoài Ân bộc bạch: “Với mong muốn đem đến sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời, sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, HTX chủ yếu sản xuất và kinh doanh các loại gạo hữu cơ. Thời gian qua, HTX nỗ lực kết nối với nhiều công ty, doanh nghiệp nhưng sản phẩm gạo hữu cơ vẫn chưa được nhiều người biết đến, người tiêu dùng chưa hiểu được lợi ích của việc dùng gạo hữu cơ”.

Một khó khăn khác, hiện nay, nông dân vẫn còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, các loại phân bón hóa học, cộng với kỹ thuật trong canh tác, chăn nuôi còn hạn chế. Điều này làm cho chất lượng sản phẩm vẫn còn tồn dư lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, tác động đến môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp. Do đó, để phát triển một nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường, thật sự là “bệ đỡ” của nền kinh tế, có nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế,... cần một chiến lược chuyển đổi với hệ thống giải pháp đồng bộ. Trong đó, vấn đề cốt lõi là phải chuyển nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “So với trước đây thì hiện nay, người dân thay đổi tư duy, sản xuất rất nhiều từ khâu chọn giống, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến quy trình canh tác. Tuy nhiên, yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe, trong đó tỉnh đang hướng đến các thị trường khó tính ở nước ngoài. Vì vậy, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất sạch, an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường; hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm, mô hình mở rộng ƯDCNC; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp ƯDCNC; liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm; tiếp tục tổ chức tập huấn các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, chuyển giao khoa học - kỹ thuật,...Đây được xem là những biện pháp thúc đẩy tiêu chuẩn nông sản hàng hóa của tỉnh đạt chất lượng, hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại và thân thiện với môi trường”. 

Với sự nỗ lực và quyết tâm này, thời gian tới, nền nông nghiệp tỉnh nhà sẽ có diện mạo mới, góp phần quan trọng cho phát triển KT - XH và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân./.

Theo LÊ NGỌC (Báo Long An)