Từ nay đến cuối năm, TP.Tân An tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn để ổn định sản xuất, kinh doanh
1. Năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện NQ đại hội Đảng các cấp gắn với NQ Đại hội XI Đảng bộ TP.Tân An, nhiệm kỳ 2020-2025. “Với quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện NQ của Thành ủy ngay từ đầu năm. Đến nay, 18/18 chỉ tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra” - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh cho biết.
Hiện nay, các địa phương cơ bản hoàn thành việc tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân
6 tháng đầu năm 2022, thương mại - dịch vụ của thành phố phát triển ổn định, sản xuất, kinh doanh đang tiếp tục phục hồi. Thành phố triển khai nhiều giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương; chỉ đạo thường xuyên nắm tình hình, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục phát triển; chủ động thực hiện công tác xúc tiến mời gọi các tập đoàn, nhà đầu tư có tiềm năng, uy tín để đầu tư và phát triển thành phố.
Song song với phát triển kinh tế, 2 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm thành phố và các công trình trọng điểm của tỉnh trên địa bàn cũng được tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thành phố chủ động xây dựng, thực hiện các đề án, đồ án và nhiệm vụ quy hoạch; tập trung thu ngân sách và giải ngân vốn xây dựng cơ bản (đến cuối tháng 6-2022, thu ngân sách ước đạt trên 419 tỉ đồng, đạt 55% kế hoạch tỉnh giao).
Dù đạt kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực nhưng theo đánh giá của Thành ủy Tân An, hoạt động thương mại - dịch vụ, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố chưa phát triển mạnh. Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn. Tiến độ thanh lý đất công, chỉnh lý biến động đất đai, thực hiện các đồ án quy hoạch đã có chủ trương của tỉnh còn chậm. Tình hình ô nhiễm môi trường, vi phạm trật tự đô thị, đất đai vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, chưa xử lý triệt để,...
Theo ông Lê Công Đỉnh, nhằm khắc phục những hạn chế trên, quyết tâm thực hiện thắng lợi NQ năm 2022, Thành ủy xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là phải đẩy nhanh tiến độ các công trình, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh, thành phố; cụ thể hóa, quán triệt và triển khai Chương trình hành động thực hiện NQ số 35-NQ/TU, ngày 07-4-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP.Tân An giai đoạn 2021-2030.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của TP.Tân An là đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm 2022, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện
Từ nay đến cuối năm, thành phố tiếp tục chủ động hơn trong thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn để ổn định sản xuất, kinh doanh. Hoàn chỉnh và triển khai, thực hiện Đề án Xây dựng cơ chế tài chính đặc thù trong đầu tư, khai thác tài sản, đất do Nhà nước đang quản lý. Triển khai, thực hiện Đề án phát triển mảng xanh trên địa bàn thành phố; Đề án xây dựng thành phố thông minh; Đề án xây dựng phát triển thành phố đạt đô thị loại I vào năm 2025, tầm nhìn năm 2030;...
2. Tại huyện Tân Thạnh, 6 tháng đầu năm 2022, các hoạt động KT-XH được phục hồi nhanh, thích ứng trong trạng thái “bình thường mới”. Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn được kiểm soát tốt, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch tiếp tục được duy trì. Huyện đã cơ bản hoàn thành việc tiêm đủ liều vắc-xin cho người dân từ 18 tuổi trở lên; đồng thời, tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi đạt theo kế hoạch. Các chế độ, chính sách về an sinh xã hội được triển khai chặt chẽ, kịp thời.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, tổng diện tích lúa gieo sạ là 83.643ha, đạt trên 115% kế hoạch năm. Trong đó, vụ Đông Xuân 2021-2022 đã thu hoạch đứt điểm 29.917ha, sản lượng đạt 207.525 tấn; vụ lúa Hè Thu diện tích 29.726ha đã thu hoạch cơ bản, sản lượng ước đạt 157.245 tấn. Diện tích cây ăn trái có xu hướng tăng, hiện có trên 1.800ha, nhiều nhất là mít, sầu riêng, chanh,... Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật được quan tâm, tổ chức triển khai, thực hiện tốt.
Tân Thạnh có xu hướng tăng, hiện có trên 1.800ha
Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình do Trung ương, tỉnh, huyện đầu tư như công trình nâng cấp, mở rộng Trung tâm Y tế huyện; đường vào Trường THPT Hậu Thạnh Đông; nạo vét, san sửa đê bờ Đông kênh Cà Nhíp;... Toàn huyện có 10/12 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Số tiêu chí bình quân xã nông thôn mới trên địa bàn là 18,08/19 tiêu chí.
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện NQ Huyện ủy năm 2022 trong 6 tháng đầu năm vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Ban Thường vụ Huyện ủy nhận định, công tác cải cách hành chính chưa có sự tập trung; công tác quản lý đất đai, môi trường có mặt chưa tốt; số vụ việc vi phạm trật tự xây dựng có chiều hướng tăng; công tác giải phóng mặt bằng một số công trình xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, thực hiện,...
Về giải pháp khắc phục để triển khai, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, Huyện ủy đã yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, phân công theo dõi địa bàn, nắm tình hình phát hiện và xử lý nghiêm ngay từ cơ sở các vi phạm về sử dụng đất theo đúng thẩm quyền. Ưu tiên bố trí vốn thực hiện, bảo đảm tiến độ các công trình trọng điểm, bức xúc, công trình xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới. Tập trung hỗ trợ xã Tân Bình để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ tình hình sản xuất nông nghiệp. Chủ động thông tin và hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tăng cường công tác y tế dự phòng, kiểm soát và xử lý hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm trên người, nhất là sốt xuất huyết và đậu mùa khỉ đã và đang có nguy cơ lan nhanh. Quan tâm chăm lo gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, giải quyết tốt các vấn đề về lao động, việc làm, giảm nghèo” - Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh - Bùi Quốc Bảo thông tin.
3. Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, 6 tháng đầu năm 2022, Huyện ủy Cần Đước tiếp tục tập trung lãnh đạo các cấp, các ngành triển khai, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch
Covid-19, bảo đảm thực hiện tốt “mục tiêu kép” theo NQ số 128/NQ-CP của Chính phủ bằng các biện pháp linh động, sáng tạo phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương. Tính đến ngày 20-6-2022, huyện đã triển khai tiêm 526.516 liều vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân; chi hỗ trợ cho 8.601 người lao động tự do, với tổng kinh phí trên 13,5 tỉ đồng.
Tình hình KT-XH của huyện trong 6 tháng đầu năm đạt kết quả khá tốt, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị và lan tỏa trong nhân dân, nhất là công tác phát triển lượng khách du lịch tham quan trên địa bàn huyện có sự khởi sắc, huyện quan tâm đầu tư nhiều công trình xây dựng cơ bản phục vụ phát triển KT-XH và đời sống người dân. Tuy nhiên, theo Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Văn Đát, tiến độ triển khai, thực hiện các chương trình đột phá, công trình trọng điểm theo NQ Đại hội XII Đảng bộ huyện còn chậm; giải ngân xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách huyện còn ít; công tác giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp, khu tái định cư có tập trung thực hiện nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra.
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi NQ năm 2022, Bí thư Huyện ủy đã yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Đề án thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp chất lượng cao và bền vững. Trong đó, quan tâm các mô hình về trồng rau ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, nhất là hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện.
Huyện Cần Đước tiếp tục triển khai, thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp chất lượng cao và bền vững
Đồng thời, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình đột phá và công trình trọng điểm theo NQ Đại hội XII Đảng bộ huyện đề ra, nhất là đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện dự án trục động lực phía Tây và phía Bắc. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn. Triển khai giải phóng mặt bằng công trình Quốc lộ 50B bảo đảm đúng theo kế hoạch.
“Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, huyện tập trung thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ năm học 2021-2022; thực hiện tốt công tác thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và quan tâm tổ chức phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tập trung công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19; vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt chỉ tiêu NQ đề ra” - ông Nguyễn Văn Đát thông tin thêm.
Dù còn nhiều khó khăn, khối lượng công việc nhiều nhưng với những giải pháp cụ thể, sát thực tế cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng tham gia của nhân dân, các địa phương đang tăng tốc nỗ lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022./.
Theo Báo Long An