Chị Nguyễn Thị Xiệt mạnh dạn chuyển từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng bưởi và chiết xuất tinh dầu bưởi để kinh doanh, tạo thu nhập
Xuất thân trong gia đình làm nghề nông, từ nhỏ, chị Xiệt thường xuyên gắn bó với ruộng vườn. Tuy nhiên, gia đình chị nói riêng, nông dân trồng lúa nói chung thường gặp tình trạng được mùa, rớt giá hoặc ngược lại. Trăn trở trước những khó khăn này, chị bắt đầu tìm kiếm nhiều mô hình trồng trọt khác nhau và “bén duyên” với mô hình Trồng bưởi sạch.
Chị Xiệt chia sẻ: “Thời điểm năm 2014, nhiều người chuyển từ trồng lúa sang trồng thanh long, thế nhưng, tôi quyết định chọn hướng đi mới là trồng bưởi để tạo đầu ra ổn định cho nông sản, tránh tình trạng cung vượt cầu. Tôi chuyển 1ha đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng bưởi. Ban đầu, các thành viên trong gia đình còn e ngại, vì sợ cây bưởi sẽ không phù hợp thổ nhưỡng dẫn đến không có trái hoặc trái nhỏ, không đạt trọng lượng. Tuy nhiên, nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật cùng sự quyết tâm, vườn bưởi phát triển tốt, cho năng suất ổn định, bình quân thu nhập trên 150 triệu đồng/năm”.
Theo chị Xiệt, nhà vườn trồng bưởi sợ nhất là rệp sáp và ruồi đục trái. Để phòng trừ các loại sâu, bệnh gây hại này, chị chú trọng sản xuất sạch, tăng cường bón phân hữu cơ; sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên để phun phòng trừ sâu, bệnh; ưu tiên tỉa cành, trái; dọn vệ sinh vườn thường xuyên.
Chị Xiệt cho biết: “Gia đình có truyền thống nấu rượu nên tôi nảy ra ý tưởng tận dụng vỏ bưởi để chưng cất và chiết xuất tinh dầu. Sau nhiều lần thử nghiệm, tôi quyết định đầu tư 120 triệu đồng để mua máy móc, trang thiết bị sản xuất, kinh doanh tinh dầu bưởi. Bình quân 80kg trái bưởi cho ra gần 20kg vỏ bưởi, sau đó, tôi chiết xuất được 200ml tinh dầu bưởi. Thu nhập từ việc kinh doanh tinh dầu bưởi trên 10 triệu đồng/tháng”.
Không chỉ có nguồn thu nhập ổn định từ việc sản xuất, kinh doanh tinh dầu bưởi, chị còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Chị Ngô Thị Huỳnh Như (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) chia sẻ: “Thay vì đi làm công nhân, xa nhà, phải thuê nhà trọ, tôi không có dư tiền và thời gian để chăm sóc gia đình; còn làm việc tại nhà, tôi bận việc gấp thì có thể xin nghỉ. Hơn hết, làm việc ở nhà, tôi cũng có thu nhập ổn định, để trang trải cuộc sống”.
Không bằng lòng với kết quả, chị Xiệt đang làm các hồ sơ, thủ tục để công nhận trái bưởi đạt chuẩn OCOP vào năm 2024. Tin rằng, với sự quyết tâm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Xiệt sẽ thành công với những dự định trong tương lai, góp phần vào sự phát triển KT-XH ở địa phương, xứng đáng là tấm gương sáng cho nhiều người cùng noi theo./.
Theo LÊ NGÂN (Báo Long An)