Lòng dân Bến Tre với Bác Hồ

20/05/2020 - 09:31

Là tên của một tập sách được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tái bản lần thứ 3 vừa được phát hành nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh có chấn chỉnh và bổ sung xuất bản lần thứ nhất năm 1989, lần thứ 2 vào năm 1990. Việc tái bản tập sách lần này bổ sung thêm các sáng tác ca khúc, ca cổ… của nhiều tác giả là nghệ sĩ, là con em của quê hương Bến Tre. Bên cạnh đó còn có những tư liệu vô cùng quý giá về sự kiện và con người có liên quan đến Bác Hồ, làm phong phú thêm lịch sử của vùng đất ba dải cù lao.

Khu lưu niệm Cụ Nguyễn Sinh Sắc đang được xây dựng tại khu di tích chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, Mỏ Cày Nam. Ảnh: A. Nguyệt

Nơi lưu dấu chân cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Theo Địa chí Bến Tre, Hòa thượng Lê Khánh Hòa (1887-1947) pháp danh Thích Như Trí, sinh ngày 22-4-1887, tại làng Phú Lễ, tổng Bảo An, quận Ba Tri. Ông là nhà nho học, phật học có tinh thần yêu nước tiến bộ. Hòa thượng đã tiến hành “Cuộc vận động chấn hưng Phật giáo”, là người sáng lập “Nam kỳ nghiên cứu phật học hội” và “Lưỡng xuyên phật học” quy tụ nhiều vị cao tăng và nhân sĩ phật giáo có tiếng tăm lúc bấy giờ.

Năm 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một chuyến đi vào Nam đến Bến Tre và ghé thăm chùa Tiên Linh (sau này đổi tên thành Tuyên Linh). Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã mời và lưu giữ cụ Phó bảng ở lại chùa Tuyên Linh một thời gian. Hai người đã thường xuyên đàm luận với nhau rất tương đắc về nhiều vấn đề thời cuộc của đất nước. Mối quan hệ này về sau vẫn được tiếp tục duy trì khi cụ Phó bảng về sống ở Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Chuyện kể rằng khi cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Hòa thượng Lê Khánh Hòa kêu gọi các phật tử trong và ngoài tỉnh ủng hộ chính quyền cách mạng tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong buổi đầu độc lập. Năm 1947, hòa thượng lâm bệnh nặng, biết mình không qua khỏi, hòa thượng đã sắp xếp lại tổ chức trong đạo và căn dặn học trò, tín đồ tham gia vào cuộc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ngày 19 tháng 6 năm Đinh Hợi, ông bảo học trò tắm rửa và thay đạo phục cho ông xong quay mặt về phương Bắc cầu chúc nước nhà độc lập, cụ Hồ mạnh khỏe sống lâu, rồi niệm phật tắt thở.

Dấu chân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn in đậm đâu đây trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”, tấm lòng yêu nước nồng nàn của hai cụ đã góp phần thắp sáng lên ngọn lửa quê dừa.

Trương Gia Mô và Nguyễn Tất Thành  

Trương Gia Mô hiệu Cúc Nông, sinh năm 1866, tại làng Tân Hào, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Tuy sinh tại Bến Tre nhưng thời niên thiếu đã theo cha ra sống ở Thuận Khánh. Năm 1892, ông ra Huế được bổ nhiệm làm Thừa phái bộ công, làm việc ở kinh lại hay chữ nên người ta nể phục gọi là Nghè mô. Năm 1908, ông bị bắt giam tại nhà lao Khánh Hòa với tội danh là đã tham gia vào tổ chức bí mật “Đảng Hội”, nhưng sau đó ít lâu được tha, trở về nhà ông làm nghề bốc thuốc chữa bệnh tại làng Hà Thúy, tổng Đa Phước, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây xảy ra cuộc gặp gỡ đầy lý thú giữa ông và Nguyễn Tất Thành qua thư giới thiệu của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã tìm gặp người bạn năm xưa của cha và được tiếp đón ân cần, chu đáo. Để tránh sự theo dõi của bọn mật thám, Trương Gia Mô đã gửi Nguyễn Tất Thành cho một nhà sư yêu nước chùa Phước An một thời gian, tại Duồng. Vào đầu tháng 12, ông đưa Nguyễn Tất Thành đến thị xã Phan Thiết vào dạy học ở Trường Dục Thanh. 10 tháng sau, ông trở lại giúp Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn với cái tên mới Văn Ba. Để rồi một thời gian ngắn, Văn Ba có mặt trên chiếc tàu Latouche Tréville sang Pháp.

Cuộc hành trình của Bác chưa khép kín nhưng tấm lòng của người Bến Tre, người miền Nam luôn là dấu ấn lịch sử đầy cảm xúc.

Vẽ chân dung Bác Hồ

Ở Bến Tre, ai cũng biết họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu. Ông sinh năm 1919, tại làng Nhơn Thạnh, huyện Châu Thành, nay là xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre. Năm 1940, ông thi đỗ thủ khoa vào Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cuối năm 1946, ông công tác ở Khu 8. Là phóng viên mặt trận, ông đã theo các đơn vị vệ quốc đoàn đến nhiều nơi như: Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre, Sa Đéc, Đồng Tháp Mười… Ông đã có nhiều ký họa nổi tiếng có những ký họa vẽ ngay trên trận địa còn vương khói súng. Đáng chú ý là bức ký họa chiến sĩ Lê Hồng Sơn hy sinh lúc xung phong năm 1947, tại Vàm Nước Trong bằng chính máu của người chiến sĩ ấy. Vào giữa năm 1950, Trung ương gọi ông ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới. Tại đây, may mắn ông được sống gần Bác Hồ nghiên cứu vẽ và nặn tượng Bác. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, ông Diệp Minh Châu đã vẽ một bức tranh để lại một dấu ấn lịch sử, bức tranh Bác Hồ và ba cháu nhi đồng Bắc - Trung - Nam bằng máu của chính mình với lời ghi chú kính gửi cha già Hồ Chí Minh tại Giồng Dứa, Đồng Tháp Mười. Đến cuối đời, ông đã dồn tâm lực của mình để hoàn thành tượng đài lãnh tụ kính yêu của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, có thời gian đặt trước trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh.

Theo TRẦN CÔNG NGỮ (Báo Đồng Khởi)