Long Khốt: Ngôi đền linh thiêng ở Đồng Tháp Mười

23/01/2024 - 10:15

Nhóm chúng tôi-những người bạn học chung lớp Sử của Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh hơn 40 năm trước vừa cùng nhau về thăm chiến khu Đồng Tháp Mười.

A A

Trong chuyến đi này, chúng tôi đến viếng đền Long Khốt trong Khu di tích lịch sử quốc gia khu vực đồn Long Khốt (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), nơi thờ cúng 8.247 anh hùng liệt sĩ.

Long Khốt ban đầu là tên của một con rạch, bắt nguồn từ Campuchia, chảy vào xã Thái Bình Trung. Tháng 8-1975, trước tình hình tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary gây chiến tranh ở biên giới Tây Nam, toàn tuyến biên giới Long An-Soài Riêng được tăng cường chỉ đạo, chỉ huy, bổ sung lực lượng, xây dựng kế hoạch và phương án sẵn sàng chiến đấu.

Nằm trong hoàn cảnh này, một đồn biên phòng được thành lập tại đây có phiên hiệu là Đồn 773 (nay là Đồn 885, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An) và được gắn với cái tên Long Khốt.

Tác giả (thứ 3 từ phải sang) cùng nhóm bạn chụp ảnh lưu niệm tại Di tích lịch sử quốc gia khu vực đồn Long Khốt. Ảnh: K.V

Sau khi kính cẩn thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân, chúng tôi được hướng dẫn viên Minh Mãi (Trung tâm Văn hóa-Thông tin huyện Vĩnh Hưng) giới thiệu về lịch sử ngôi đền, cùng truyền thống vẻ vang, bi hùng của quân và dân Đồng Tháp Mười nói chung, khu vực Long Khốt nói riêng.

Giọng của hướng dẫn viên lúc trầm, lúc bổng, lúc nghẹn ngào… Khu vực đồn Long Khốt ghi lại dấu mốc của 2 giai đoạn lịch sử quan trọng: Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1972-1973), đây là địa bàn chiến đấu của Trung đoàn 174 và các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 5, quân và dân Long An để giải phóng vùng 8 (cuối tháng 12-1974), khai thông tuyến hành lang biên giới Đông và Tây Nam Bộ.

Trong những năm này, theo thống kê chưa đầy đủ, hơn 1.100 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống tại nơi đây. Trong thời kỳ bảo vệ biên giới Tây Nam (1978-1979), ta xác định, Long Khốt là vị trí xung yếu, nếu mất Đồn Long Khốt thì thị trấn Mộc Hóa và gò Măng Đa (thị trấn Vĩnh Hưng ngày nay) sẽ bị cô lập. Về phía kẻ thù, chúng cũng xác định đây là vị trí bàn đạp để gây áp lực trên toàn tuyến biên giới nên quyết tâm chiếm bằng được. Lúc 22 giờ 15 phút đêm 14-1-1978, địch nổ súng tấn công Đồn Long Khốt mở đầu cho cuộc chiến đấu cam go suốt 43 ngày đêm (từ ngày 14-1 đến 27-2-1978) của quân và dân ta với kẻ thù.

Trong 43 ngày đêm, bọn phản động Pol Pot-Ieng Sary đã huy động lực lượng lớn (có lúc lên đến cấp trung đoàn) bao vây Đồn Long Khốt, tập trung hỏa lực mở nhiều đợt tấn công, đột kích hòng tiêu diệt đồn, lấn sâu vào lãnh thổ Việt Nam.

Suốt 43 ngày đêm chiến đấu, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Long Khốt đã bẻ gãy 21 đợt tấn công của địch, bảo vệ cuộc sống của hàng vạn đồng bào, bảo vệ thành quả của Đảng bộ và Nhân dân các huyện biên giới Long An.

Để giành giật từng tấc đất biên cương, mang lại sự bình an cho người dân vùng biên giới, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và người dân đã anh dũng hy sinh, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Năm 1979, Đồn Biên phòng Long Khốt được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Để giữ vững điểm tiền tiêu Long Khốt, qua hai thời điểm cam go nhất ngay trước và sau giải phóng (năm 1975), hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Có lẽ đó cũng là lý do để 4 câu thơ của đại tá Trần Thế Tuyển đi vào lòng người và trở thành lời hát ru của các bà mẹ xã Thái Bình Trung: “À ơi những giọt máu đào/Dòng sông Long Khốt biết bao nhiêu tình/Lời ru theo gió ngọt lành/Ngàn năm yên giấc sử xanh mãi còn”. Bởi mỗi tấc đất, gốc cây, ngọn cỏ nơi Long Khốt linh thiêng đều thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt.

Năm 2008, Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 174 xin phép được xây dựng đền Long Khốt để thờ cúng các liệt sĩ. Ban đầu, ngôi đền chỉ có quy mô khiêm tốn trên mảnh đất 4,5 ha, thuộc ấp Trung Chánh, xã Thái Bình Trung. Năm 2020, từ nguồn kinh phí 54 tỷ đồng (trong đó có 31 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, do cựu chiến binh Sư đoàn 5 huy động), ngôi đền được trùng tu khang trang. Ngôi đền mới có diện tích 1.145 m2.

Đến thời điểm này, nơi đây đang thờ cúng 8.247 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở các huyện của vùng Đồng Tháp Mười. Hàng năm, vào ngày 19-5, tại đền Long Khốt, cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An tổ chức ngày giỗ liệt sĩ và tưởng nhớ Bác Hồ với sự tham gia của đông đảo người dân.

Năm 2023, đền Long Khốt đón hơn 70.000 lượt du khách viếng thăm. Tạm biệt đền Long Khốt ở biên giới Tây Nam Tổ quốc trong ánh chiều tà, chúng tôi không khỏi nghẹn lòng khi nghĩ rằng, những gì đất nước ta, dân tộc ta có được hôm nay, thật sự đã phải đổi bằng nhiều xương máu mà nơi đây là một trong rất nhiều minh chứng.

Theo KIM VÂN (Báo Gia Lai)