Lũ về thu vén 'lộc trời'

05/10/2022 - 14:54

Lũ về, những cánh đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long ngập trắng bờ. Lũ vàng lũ bạc là đây.

Ôi chao! Hai năm qua lũ về chậm. Tháng 7 lũ về, đến và đi chẳng kịp chào nhau khiến lòng người ngẩn ngơ. Năm nay lũ về sớm, tháng 6 nước đã ngập trắng đồng, cá, tôm cùng vạn vật theo đó mà hoan ca.

Mới sáng sớm, tiếng ghe ngo, vỏ lãi đã rộn vang khắp đồng. Bà con đua nhau đổ dớn, đổ đục. Những lão ngư hì hục kéo dớn. Dớn càng nặng, người dân càng sướng. Tất nhiên trong dớn còn có rong rêu, cỏ rác nhưng kiểu gì cũng là con cá, con tôm.

Mùa nước lũ đem lại nhiều nguồn lợi cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mùa lũ năm nay khá chiều lòng người. Nước lũ về sớm, con lũ lên chậm, theo đó, cá, tôm cũng có đủ thời gian sinh trưởng. Ngụp lặn đến bạc mặt nhưng ông Nguyễn Văn Tây ngụ tại TP Cần Thơ, đi kéo mấy chục dớn ở xã Phú Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang) đang hằng mong nước lũ lên cao hơn. Ông bảo nước lũ năm nay thấp, ai cũng mong nước lũ cao hơn để có thêm thu nhập. Trong dớn của ông Tây cơ man là cá linh, cá rô, tôm, tép, ốc nhồi, trạch trấu. Bán đổ đồng cũng được 30.000-40.000 đồng/kg. Ngày nào thuận lợi, ông có thể kiếm được hơn một triệu đồng. Bữa ngồi lai rai ở TP Cần Thơ, ông Tây bảo những mùa lũ xưa (có lẽ không đến nỗi quá xa), mỗi tháng ông cùng con cháu cũng kiếm được 60-70 triệu đồng tiền tôm, cá. Lộc trời mùa lũ giúp gia đình ông sống vui, sống khỏe cả năm. Nay lũ về năm chậm, năm sớm, không còn đều đặn nên cuộc sống của những hộ gia đình bám vào sông nước cũng theo đó mà dập dềnh như lục bình trôi sông.

Lũ về sớm, chợ cá cũng họp sớm. Chợ cá trên sông bắt đầu hình thành khi con nước lũ đổ về. Khi nào nước trên đồng bắt đầu rút, chợ cá cũng từ từ giải tán. Ở những miền quê sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, ngư dân và chủ ghe thường không mua bán trả bằng tiền mặt ngay mà chốt sổ từng buổi, từng ngày. Độ 2-3 ngày, hoặc đến cuối tuần mới thanh toán một cục. “Cầm tiền như vậy đã hơn”, ông Tây bảo.

Mùa nước nổi, cá linh là món khoái khẩu của nhiều người, nhưng còn đó cá heo, cá chốt, tôm, tép, lươn, trạch, ếch, nhái... bán cũng rất được giá. Cứ mỗi lần tôm, cá đầy khoang là nụ cười lại tỏa nắng, câu hò bay bổng cùng núi sông.

6 tháng làm ruộng, 6 tháng lên thuyền đánh bắt cá, tôm, cứ đều đặn như vậy, bà con mần được gì bán thứ nấy. Lũ năm nay như hợp với con cá linh nên cá béo, khỏe; các loại tôm, cua, cá khác ít hơn nhưng cứ lộc trời, lộc sông nước là quý. Những chậu cá linh mắt đen nháy, ốc nhồi vàng béo đẫy trong bao tải, cá rô đồng xâm xấp nửa lưng xô, tôm sông càng dài đến thích mắt... được đưa từ thuyền nhỏ lên ghe lớn. Chủ ghe cười tít mắt, thành ra những lão nông-ngư như ông Tây cũng bán hàng được giá hơn.

Từ các chợ cá trên sông, cá, tôm tỏa vào chợ đầu mối, chợ lớn ở thành phố. Ngồi bên bàn nhậu, ông Tây bảo với tôi hy vọng mấy bữa nữa nước lũ lên cao để dễ bề đánh bắt. Chứ lộc của trời ăn mãi rồi cũng hết. Mùa lũ về thất thường khiến lòng người khó mà an. Tiền học cho con trên TP Hồ Chí Minh, tiền thuê nhà, tiền điện, trăm thứ phải lo đều trông vào con nước lũ.

Đứng trên bờ, tôi thấy rõ dòng nước đục ngầu phù sa, đỏ quạch. Màu đỏ của sự sống, của hy vọng. Dòng nước lũ đã giúp bao mảnh đời mưu sinh, biết bao sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng giỏi nơi phố thị, để rồi theo dòng nước hối hả quay trở lại làm giàu cho quê hương.

Con nước cao chưa chắc đã mang lại nhiều nguồn lợi. Cũng hên xui phó mặc cho thủy thần. Rằm tháng 6, nước lên đẹp, cá, tôm đầy đồng, người dân đánh bắt hải sản phấn khởi lắm. Nhưng rằm tháng 7, tháng 8 vừa rồi, cá, tôm chựng lại, khiến niềm vui chưa thể nhân đôi, nhân ba. Ai cũng hy vọng, trông chờ vào mùa trăng tới-rằm tháng 9-lũ về đẹp, để bà con trúng con nước, trúng cá, tôm, để tiếng cười lại rộn vang nơi sông nước miền Tây.

Theo Quân đội nhân dân