Hơn nửa tháng nay, nhiều nông dân ở thị trấn Long Phú (Long Phú) bất lực nhìn những trà lúa ngoài đồng đang bị khô héo, lụi dần. Dọc theo nhiều tuyến đường, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn đã chuyển dần qua màu vàng úa, cháy khô, đất mặt ruộng nứt nẻ, khô khốc. Ông Thạch Hiền ở ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú cho biết: “Sau khi sạ xong lúa vụ 3 thì nước mặn xâm nhập, đến nay đám ruộng hơn 20 ngày tuổi của gia đình tôi đang thiếu nước trầm trọng, vụ này coi như mất trắng”.
Ông Thạch Hiền thất thu trong vụ Đông - Xuân muộn năm nay. Ảnh: Hải Hà
Mặc dù trước đó, chính quyền địa phương và các kênh truyền thông, báo, đài đã nhiều lần dự báo tình trạng xâm nhập mặn sẽ xảy ra sớm hơn so với năm ngoái nhưng vì thấy trúng mùa, trúng giá của vụ 3 năm trước mà ông Hiền và nhiều nông dân khác chủ quan xuống giống. “Năm ngoái, lúa vụ 3 trúng lắm, tôi tưởng đâu năm nay cũng như vậy. Hai vợ chồng chúng tôi cũng già rồi, không đi làm xa ở Bình Dương hay thành phố lớn khác được như giới trẻ, nếu bỏ đất trống thì uổng” - ông Hiền giãi bày.
Đồng chí Trần Trí Dũng – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Phú cho biết, vụ lúa Đông - Xuân muộn năm nay trên địa bàn thị trấn sản xuất hơn 238ha. Thời điểm này, nhiều diện tích đã được hơn 20 ngày tuổi xem như mất trắng do xâm nhập mặn đến sớm. Dù chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền nhưng còn nhiều người chủ quan nên giờ không có nước ngọt để phục vụ sản xuất.
Tuy vậy, vẫn còn những nông dân đề phòng trước nên không sản xuất lúa vụ 3 và tránh được thiệt hại. Anh Dương Thanh Tùng ở Ấp 4, thị trấn Long Phú chia sẻ: “Năm ngoái, tôi làm lúa vụ 3 có năng suất khá cao, khoảng 8 - 9 tấn/ha, giá bán dao động trên dưới 5.500 đồng/kg nhưng năm nay ngay từ đầu vụ, tôi nắm bắt được thông tin từ báo, đài cùng những khuyến cáo của chính quyền địa phương dự báo mặn đến sớm nên tôi không xuống giống lúa vụ 3. Tôi cũng vận động những hộ xung quanh không nên làm, một số hộ khác thấy bỏ đất uổng mà chủ quan xuống giống”.
Không chỉ thị trấn Long Phú, ruộng lúa tại nhiều cánh đồng ở các xã khác trên địa bàn huyện Long Phú như: Long Đức, Trường Khánh, Tân Hưng cũng trong tình trạng tương tự. Do tình hình xâm nhập mặn đến sớm hơn năm ngoái khoảng 1 tháng, độ mặn cao và kéo dài đã khiến nhiều nông dân mất trắng trong vụ lúa này. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, vụ Đông - Xuân muộn năm nay trên địa bàn huyện có khoảng 3.700ha, diện tích này đã giảm nhiều so với hơn 15.000ha của năm ngoái.
Đồng chí Lâm Văn Vũ – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết, ngay từ đầu năm ngành Nông nghiệp huyện đã tham mưu UBND huyện khuyến cáo bà con không sản xuất lúa vụ 3; đồng thời tiến hành nạo vét trên 23 công trình thủy lợi để giữ nước phục vụ cho sản xuất và thống kê lại các tuyến dân cư tập trung để có phương án cấp nước sinh hoạt nếu mặn kéo dài. Tuy nhiên, do nhiều nông dân chủ quan trong việc nhận định tình hình, đến nay đã có hơn 1.500ha bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, thời gian tới diện tích bị ảnh hưởng sẽ tiếp tục tăng.
Cũng theo đồng chí Lâm Văn Vũ, hiện nay độ mặn ở các cống trên địa bàn huyện Long Phú trên 6‰ nên những trà lúa đã xuống giống khó phục hồi. Ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ nguồn nước và đo độ mặn để thông báo kịp thời cho người dân; đồng thời chỉ đạo cho trạm quản lý thủy nông vận hành cống hợp lý, khuyến cáo cho nông dân lịch thời vụ, chọn giống lúa chất lượng và xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Theo Báo Sóc Trăng