Mạch nguồn văn hoá Trấn Biên

29/09/2023 - 14:24

Đất Trấn Biên xưa được xem là điểm khởi đầu của vùng đất Nam Bộ. Việc xây dựng Văn miếu Trấn Biên (năm 1715) - văn miếu đầu tiên tại xứ Ðàng Trong để tôn vinh Khổng Tử, thể hiện nét văn hoá hiếu học. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, hiện nay Văn miếu Trấn Biên uy nghi tại khu đất rộng thuộc phường Bửu Long, TP Biên Hoà, tỉnh Ðồng Nai.

A A

 Không gian rộng, nhiều cây xanh, Văn miếu Trấn Biên với nhiều công trình kiến trúc tôn vinh nét đẹp văn hoá truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.

Ðây là công trình được xây dựng theo kiến trúc Văn miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội, gồm các hạng mục: nhà thờ chính, tả vu hữu vu, sân hành lễ... thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài, tạo mạch nguồn văn hoá Nam Bộ.

Văn miếu Trấn Biên với nhiều công trình kiến trúc tôn vinh nét đẹp văn hoá truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Thể hiện nét đặc trưng vùng đất Nam Bộ là hồ nước Tịnh Quang rộng lớn.

Nổi bật giữa vùng không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc (gốm tráng men). Từ Văn miếu môn, lần lượt là nhà bia truyền thống Trấn Biên - Ðồng Nai, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, cổng tam quan, nhà bia thứ hai thờ Khổng Tử và sau cùng là nhà thờ chính rộng lớn. Ở đây có tấm bia lớn khắc dòng chữ to: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia".

Từ cổng tam quan tiến vào là nơi thờ Khổng Tử và sau cùng là nhà thờ chính rộng lớn.

Nhà thờ chính xây dựng kiểu nhà ba gian hai chái, theo kiến trúc cổ, sơn son thếp vàng, nền lát gạch tàu, trên các cột nhà treo đôi liễn đối. Ở gian giữa có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên tường có biểu tượng trống đồng tượng trưng cho nền văn hoá Việt Nam và Quốc Tổ Hùng Vương. Bên trái nhà là nơi thờ các danh nhân văn hoá Việt Nam như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Ðôn... Bên phải thờ các danh nhân đất Nam Bộ như: Võ Trường Toản, Nguyễn Ðình Chiểu, Trịnh Hoài Ðức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Ðịnh, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông... Ðặc biệt, trong gian thờ này có trưng bày 18 kg đất và 18 lít nước mang về từ Ðền Hùng, biểu trưng các đời Vua Hùng, cội nguồn của dân tộc Việt.

Trong nhà thờ chính, ở gian giữa có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Văn miếu Trấn Biên được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Văn miếu Trấn Biên không chỉ là niềm tự hào của vùng Ðông Nam Bộ về truyền thống văn hoá hiếu học của dân tộc, đây còn là nơi giáo dục ngoại khoá, điểm hẹn văn hoá hấp dẫn du khách, bởi không gian rộng rãi và thoáng mát, yên tĩnh, với vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa trang nhã./.

Theo TRẦN NGUYÊN (Báo Cà Mau)